Du khách thích thú trải nghiệm bắt cá, sản xuất tép chua Tỉnh Bắc Kạn là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nổi bật là khu du lịch Ba Bể, với nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo. Tại đây, ngoài du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, lịch sử… du khách có thể tham quan mô hình nông nghiệp.
Tại mô hình trồng hồng không hạt với diện tích 57ha của Hợp tác xã Đồng Lợi, thôn Bản Cám (xã Nam Mẫu), khách du lịch có thể trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá và sản xuất tép chua ngay tại làng nghề.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Ba Bể, còn rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác có thể kết hợp để du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mô hình trồng chè ở xã Chu Hương, Mỹ Phương với sản lượng khoảng 3.000 tấn búp tươi/năm; dong riềng ở xã Yến Dương, Phúc Lộc, Chu Hương, Mỹ Phương với sản lượng 10.000 tấn củ/năm; bí xanh thơm ở xã Địa Linh, Yến Dương với sản lượng 2.200 tấn quả/năm…
Tại huyện Bạch Thông cũng có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp được du khách ưa thích như: Mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị tại thôn Phiêng An (xã Quang Thuận); mô hình trồng nấm, mộc nhĩ tại HTX dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang, (thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình); hay thăm cánh đồng sản xuất lúa Japonica (lúa Nhật với diện tích gần 100ha), kết hợp tham quan thác Nàng Tiên, xã Lục Bình.
Ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Điều kiện tự nhiên và xã hội tại Bắc Kạn khá thuận lợi để tạo ra nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm nông sản OCOP Bắc Kạn như gạo nếp Khẩu Nua Lếch, miến dong Bắc Kạn, hồng không hạt Ba Bể, cam Chợ Đồn, quýt Bạch Thông, thịt dê, trâu, bò, ngựa Pác Nặm... đang được nhiều người tiêu dùng biết đến và mua về sử dụng.
Vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp điển hình gắn với du lịch đang là một trong những giải pháp góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho người dân nông thôn Bắc Kạn.
Nâng cao sinh kế cho người dân
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có hơn 100 cơ sở, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất, chế biến 105 sản phẩm nông sản thực phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP.
Trong đó, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như Cucumin Bắc Hà, tinh bột nghệ của Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn, tinh bột nghệ của Hợp tác xã (HTX) Tân Thành, rượu chuối Tân Dân, miến dong Tài Hoan, gà thả đồi của HTX Trần Phú…
Các sản phẩm này đang tạo thêm sản phẩm du lịch mới, nâng cao sinh kế cho người dân nông thôn.
Ông Ngô Trung Kiên - Trưởng phòng OCOP nghiệp vụ Văn phòng Nông thôn mới Bắc Kạn cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt tỉnh Bắc Kạn xác định phải tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, từ đó tự giác cùng chính quyền tham gia xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại địa phương.
"Các cấp, các ngành tích cực vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất, từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hướng dẫn người dân thực hiện trồng cây theo quy trình; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng năng suất cho cây trồng để sản phẩm nông sản tạo sự thu hút của du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm" - ông Kiên cho biết thêm.
Được biết, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng nghề về dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng OCOP thông qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình liên quan đến hoạt động dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách tại các điểm tham quan du lịch.
Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh, bày bán sản phẩm nông sản lựa chọn mặt hàng mang tính đặc trưng của địa phương, có chất lượng được khẳng định thông qua việc gắn tem, nhãn có truy xuất nguồn gốc theo quy định phục vụ đa dạng, phong phú về chủng loại, kiểu cách để thu hút sự quan tâm, mua hàng của du khách.
Bắc Kạn cũng tiếp tục hỗ trợ, nâng cao chất lượng những sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của địa phương; phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm mang tính đặc thù tại địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất theo giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn trong giai đoạn 2016-2020 ước đạt trên 2,4 triệu lượt, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 1.636 tỷ đồng. Thị trường khách du lịch của Bắc Kạn rất phong phú và đa dạng. Khách du lịch quốc tế đến Bắc Kạn, chủ yếu đến từ các nước: Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Italia, Úc, Trung Quốc
Theo Minh Hồng/danviet.vn
https://danviet.vn/bac-kan-den-day-du-khach-tha-ho-bat-ca-tu-lam-tep-chua-trai-nghiem-dac-san-ocop-20201102105519664.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã