Người dân xã Háng Đồng sơ chế măng trúc. Ảnh: Báo Sơn La
Hơn 6 giờ sáng, anh Sồng A Sua ở bản Háng Đồng đã cùng nhóm trai tráng trong bản vào rừng. Anh chuẩn bị đầy đủ ủng, găng tay, dao, bao đựng và nước uống. Anh Sua chia sẻ: Muốn lấy được nhiều măng, phải chịu khó đi xa vào rừng, dốc cao, nhiều hôm trời mưa gió đường trơn trượt rất dễ tai nạn. Người đi lấy vài ký măng về ăn thì không khó, nhưng để lấy được vài chục cân để bán thì phải có “nghề”, phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng. Hôm nay lấy vùng này thì mai lấy vùng khác, rồi mấy ngày sau mới quay lại vùng ban đầu.
Măng trúc hiện được thị trường ưa chuộng, nhiều thương lái tìm đến tận nơi thu mua với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Những người chăm chỉ, khỏe mạnh, mỗi mùa có thể thu nhập thêm từ 15-20 triệu đồng.
Theo ông Mùa A Chơ, Chủ tịch UBND xã Háng Đồng: Trên địa bàn xã có hơn 40 ha măng trúc chủ yếu tập trung ở 2 bản Háng Đồng và Háng Đồng C. Để duy trì diện tích và sản lượng măng, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn lâm sản này. Đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng măng trúc, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng là cách giúp người dân sống bằng nghề rừng và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Tân Lạc vào vụ thu hoạch mía tím
Đến nay, trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã có trên 30 ha mía tím được tiêu thụ, nhiều diện tích mía tơ, mía lứa sớm đã đến kỳ thu hoạch. Vụ này, chất lượng mía tím ổn định, mẫu mã đẹp hơn so với vụ mía trước.
Những hôm trời nắng, tư thương đã bắt đầu thu mua mía tím của người dân. Ảnh chụp tại xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc). Ảnh: Báo Hòa Bình.
Tân Lạc là một trong những vùng trồng mía nổi tiếng của tỉnh, nổi bật là trồng mía tím. Những năm trở lại đây, tình hình tiêu thụ mía tím trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn nên diện tích trồng giảm mạnh so với trước. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, vụ này, tổng diện tích trồng mía toàn huyện là 1.235 ha, trong đó, diện tích mía tím 988,2 ha. Cây mía tím vẫn được trồng nhiều nhất ở các xã: Mỹ Hòa, Trung Hòa, Phú Vinh, dọc theo đường 12B và lác đác ở các xã dọc tỉnh lộ 436.
Ông Bùi Minh Quế, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đến thời điểm này, nhiều diện tích mía của bà con trong huyện đã đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là diện tích trồng bằng mía mô (khoảng 50 ha) phát triển tốt, cây mía to, dóng dài, màu đẹp. Toàn huyện đã tiêu thụ được hơn 33 ha mía tím, với giá bán từ 5 - 7 nghìn đồng/cây, tùy chất lượng mía và khu vực trồng mía. Theo đó, giá mía ở các vùng trồng mía nổi tiếng như xã Mỹ Hòa, Phú Vinh bán được giá cao hơn, còn các xã khác giá thấp hơn từ 1 – 2 nghìn đồng/cây.
Xã Mỹ Hòa là một trong những vùng trồng mía tím nổi tiếng của huyện. Mía được trồng trên đồng đất của xã cho chất lượng thơm ngon, màu tím đậm, được tư thương ưa chuộng. Trước đây, có thời điểm diện tích trồng mía tím của xã lên tới 400 ha. Thế nhưng, do đầu ra bấp bênh nên diện tích trồng mía tím ở Mỹ Hòa đã giảm mạnh, vụ này chỉ còn trên 140 ha. Dù vậy, thực tế có thể thấy, vụ này, mía tím ở Mỹ Hòa chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp hơn so với vụ trước, nhất là đối với diện tích mía tơ (mía cho thu hoạch vụ đầu). Đồng chí Bùi Văn Dềnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: Mía tím vẫn được trồng nhiều nhất ở các xóm Chù Bụa, Đon, Chuông. Đến thời điểm này, diện tích mía mô đã đến kỳ thu hoạch, còn diện tích mía lưu gốc đến giáp Tết mới cho thu hoạch. Những hôm trời nắng ráo vừa rồi, tư thương đã bắt đầu đến đặt mua một số vườn, hiện đã có 2 hộ dân bán mía với giá bán 7.000 đồng/cây.
Giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho chương trình mục tiêu CNTT trên 39 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 19,720 tỷ đồng, ngân sách địa phương 19,370 tỷ đồng).
Yên Sơn: Kết nối tiêu thụ để phát triển vùng bưởi hàng hóa hiệu quả
Vùng trồng bưởi hàng hóa trên 4.000 ha tại huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là kết nối tiêu thụ bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, dẫn đến phế canh hoặc phát triển nóng như một số cây trồng khác.
Người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn) trồng bưởi cho thu nhập cao. Ảnh: Quốc Việt
Vùng bưởi hàng hóa hiện tập trung nhiều tại xã Xuân Vân, Phúc Ninh, Lực Hành, Thắng Quân và ở một số xã trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Theo ông Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, huyện đã quy hoạch phát triển vùng bưởi, chỉ cho phép mở rộng diện tích đến dưới 5.000 ha, không để tình trạng phát triển nóng, dẫn đến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Huyện đã làm việc với các xã phát huy vai trò của hợp tác xã nông lâm nghiệp trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó sản phẩm bưởi của huyện hiện đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng...
Thời điểm này người dân Yên Sơn đã vào mùa thu hoạch bưởi. Theo nhận định của các hợp tác xã nông nghiệp, giá bưởi năm nay ổn định, dao động từ 12 đến 25 nghìn đồng/quả hoặc kg tùy loại và chất lượng bưởi. Ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ xã Phúc Ninh cho biết, hợp tác xã đứng ra kết nối với các thương lái đến từ khắp các tỉnh, thành phố bao tiêu sản phẩm cho người trồng bưởi. Mặc dù vậy, người dân vẫn bị ép giá vì chất lượng bưởi của xã chưa thực sự vượt trội so với nhiều nơi khác. Định hướng trong thời gian tới, xã đẩy mạnh sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, hiện mới có khoảng 70 ha bưởi hữu cơ trong tổng số hơn 1.000 ha bưởi toàn xã. Ông Quang nhấn mạnh, cái khó nhất của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm hiện nay là việc sản xuất còn mang tính đơn lẻ, mạnh ai người làm, thiếu liên kết nên sản phẩm làm ra vẫn bị thương lái ép giá.
Theo ông Quang, vấn đề đặt ra là người trồng bưởi cần phải tham gia hợp tác xã để xây dựng mối liên kết chặt chẽ từ cung ứng giống, phân bón đến tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi hữu cơ, đây là xu hướng tất yếu để thu hút người dân tham gia. Tuy nhiên, thời gian đầu gặp không ít khó khăn, bởi thói quen sản xuất cũ vẫn đè nặng trong tập quán canh tác của các hộ trồng bưởi. Hợp tác xã tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động, lấy hiệu quả kinh tế từ bưởi hữu cơ để thu hút người dân tham gia hợp tác xã. Cá nhân ông Quang cũng chuyển đổi 12 ha bưởi của gia đình sang sản xuất theo hướng hữu cơ bước đầu đã mang lại hiệu quả, được các bạn hàng ở nhiều nơi đặt mua tại vườn. Đây là yếu tố quan trọng để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong thời gian tới.
Người dân Bản Ngò trồng chuối tiêu xanh
Bản Ngò là xã đang phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm 2020 của huyện Xín Mần (Hà Giang). Trong các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới ở Bản Ngò, thu nhập của người dân là một trong nhưng tiêu chí khó thực hiện nhất.
Để giúp bà con nơi đây tạo thêm thu nhập ổn định từ sản xuất, chăn nuôi; huyện đã đưa các dự án vào thực hiện như: Trồng Mướp đắng rừng, Chuối tiêu xanh Nam Mỹ gắn với bao tiêu sản phẩm.
Cuối năm 2018, huyện Xín Mần phối hợp với Công ty Cổ phần – Đầu tư Nông, lâm nghiệp Hà Giang trồng Chuối tiêu xanh ở Bản Ngò với diện tích 37,8 ha tại thôn Thính Tằng và Đán Khao với 95 hộ thực hiện. Sau hơn một năm cho thấy, giống Chuối tiêu xanh Nam Mỹ rất phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây, cây sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân mỗi buồng chuối thời kỳ thu hoạch đạt từ 17- 21 kg.
Thôn Đán Khao có 6 hộ trồng Chuối tiêu xanh với điện tích 14,9 ha, anh Ly Văn Sèng, một trong những hộ trồng nhiều nhất thôn đã chuyển đổi diện tích ruộng trồng lúa của gia đình sang trồng 1.800 cây chuối. Ban đầu, khi quyết định chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng chuối với gia đình anh cũng khá khó khăn vì cây chuối thời gian sinh trưởng chậm, lâu cho thu hoạch nên ảnh hưởng đến nguồn lương thực của gia đình. Trồng và chăm sóc cây chuối cũng đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc hơn trồng lúa, ngô, hằng ngày phải bỏ công chăm sóc, từ phát cỏ, bón phân, bọc buồng chuối theo hướng dẫn đến lúc thu hái. Đến thời điểm hiện tại có thể thấy, cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng và chất đất ở Bản Ngò nên phát triển tốt và cho năng xuất cao.
Tại thôn Thính Tằng, chúng tôi đến nhà anh Vàng Văn Sinh, hộ trồng 900 gốc chuối, dưới rừng chuối đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, anh tiến hành bọc túi bảo vệ quả để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của công ty thu mua. Từ đầu vụ, gia đình anh đã bán hơn 5 tấn chuối, dự kiến diện tích chưa thu hoạch còn trên 10 tấn. Anh Sinh cho biết: So với trồng lúa, ngô thì cây chuối cho hiệu quả kinh tế cao hơn, mỗi buồng chuối đến kỳ thu hoạch đạt từ 17 - 21 kg, quả đều và đẹp, hiện tại được công ty thu mua với giá 5.000 đồng/1 kg, trung bình mỗi buồng chuối cũng thu về 80 -100 ngàn đồng.
Chuối tiêu xanh Nam Mỹ trồng ở Bản Ngò được đánh giá chất lượng khá cao, sản lượng ước từ 600 - 800 tấn, đến tháng 10 này, Công ty CP-ĐT Nông, lâm nghiệp Hà Giang đã thu mua của bà con được 250 tấn.
Theo đồng chí Sùng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngò cho biết: Cây chuối được trồng tại các thôn Đán Khao, Thính Tằng đã phát triển rất phù hợp với đất đai và điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Cây chuối đa phần đều sinh trưởng tốt và ra quả ngay từ năm thứ nhất cho chất lượng tốt. Với diện tích chuối như hiện tại và sản lượng tốt như hiện nay, đây là cây trồng phù hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở địa phương. Có thể nói, cùng với Mướp đắng rừng, Chuối tiêu xanh đang là loại cây giúp tăng thu nhập cho bà con Bản Ngò.
Nguồn tin: kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã