Chỉ trong 3 năm (2018 - 2020), với 50 tỷ đồng để thực hiện, Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Trong đó, có 13 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 118 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Đặc biệt, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP Quốc gia là miến dong Tài Hoan và nano Curcumin Bắc Hà.
Tính đến nay, Bắc Kạn trở thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm OCOP đến được với các thị trường lớn là cả một câu chuyện dài hơi.
HTX Tài Hoan (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) là HTX đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đưa được sản phẩm sang thị trường châu Âu.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ, việc đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là các thị trường lớn không đơn giản chút nào.
"Trước khi đưa sản phẩm miến dong Tài Hoan sang được Cộng hòa Séc, chúng tôi đã để lỡ một cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc do thủ tục quá phức tạp. Chúng tôi là nông dân, suốt ngày "đầu tắt mặt tối" chứ có hiểu biết gì về thủ tục giấy tờ đâu", bà Hoan cho biết.
Theo Giám đốc HTX Tài Hoan, chuyến hàng đầu tiên xuất sang Cộng hòa Séc, các thành viên HTX rất vui mừng, tự hào nhưng cũng nhiều lo lắng. May mắn, sản phẩm đã được chấp nhận. Hiện, HTX đang chuẩn bị xuất công hàng tiếp theo sang Cộng hòa Séc.
"Để sản phẩm của HTX Tài Hoan đến được với thị trường châu Âu và có phản hồi tích cực, nếu không có sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương thì chắc chắn chúng tôi không thể làm nổi. Đặc biệt, phải kể đến sự tận tình của bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khi trực tiếp mang sản phẩm của HTX đi giới thiệu tại châu Âu", Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết thêm.
Giống như HTX Tài Hoan, HTX Trần Phú (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) cũng đã có một hành trình khá gian nan để đưa sản phẩm thịt gà ri của HTX đến được với thị trường.
Anh Phan Văn Tuân, Giám đốc HTX Trần Phú chia sẻ, để gây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt gà ta của HTX, tôi phải thường xuyên có mặt ở Hà Nội.
"Khi thì chào hàng với các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm sạch, khi thì tham gia một số hội thảo, hội chợ để học hỏi kinh nghiệm, cách làm và giới thiệu sản phẩm. Từ cuối năm 2019, HTX đã đầu tư lò mổ, máy hút chân không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm", anh Tuân cho biết thêm.
Theo anh Tuân, hiện nay, HTX Trần Phú đã mở rộng sang những mặt hàng nông sản khác như thịt lợn, rau, quả. HTX đã mở cửa hàng OCOP đầu tiên tại thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), thường xuyên cung cấp thực phẩm cho các trường học của huyện Na Rì. Bằng nỗ lực tìm kiếm thị trường, HTX Trần Phú đã gây dựng, phát triển sản xuất để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường.
"Sản phẩm của HTX vẫn chưa được siêu thị nhập bán do sản lượng còn thấp, chưa được công nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Chúng tôi vẫn đang rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu của mình", anh Tuân chia sẻ.
Nói về khó khăn đối với việc xuất khẩu sản phẩm OCOP Bắc Kạn, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, cái khó của Bắc Kạn ở chỗ về quy mô, đơn vị đang xuất khẩu của tỉnh rất đặc biệt, khó mà có HTX nào trực tiếp đứng ra xuất khẩu được sản phẩm.
Bắc Kạn đã có những sản phẩm OCOP đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, tuy nhiên do HTX trực tiếp xuất khẩu, không phải do doanh nghiệp lớn. Đây là điều hết sức khó khăn khi để hoàn thiện các thủ tục.
Cũng theo bà Đỗ Thị Minh Hoa, miến dong Tài Hoan phải mất 6 tháng để đạt tiêu chuẩn của Cộng hòa Séc về mẫu mã, bao bì, kích thước đóng gói, trọng lượng sản phẩm. Tỉnh Bắc Kạn và đối tác đại diện phía Việt Nam xuất khẩu sang công ty bên phía Cộng hòa Séc đã phải hỗ trợ rất nhiều.
Bên cạnh đó, phía Cộng hòa Séc cũng yêu cầu thông tin chi tiết bao bì rất kỹ lưỡng, phải có tiếng Việt và tiếng Séc về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thủ tục xuất cảng, hóa đơn tính tổng thể…
"Kích thước đóng gói bình thường chúng ta quen đóng 500g nhưng bên đó họ yêu cầu đóng 200-250g và làm thành những con miến nấu được khoảng 1 bát. Do đó, đầu sản xuất lại phải tính toán độ dài, đóng gói sao cho đáp ứng được yêu cầu bên đó", bà Đỗ Thị Minh Hoa nói.
"Bình thường, HTX chỉ tính đến sản phẩm bán ra khỏi HTX. Nhưng với đối tác nước ngoài, bắt buộc phải tính toàn bộ cả kinh phí vận chuyển hàng sang đến cảng bên đó để tính vào giá. Nếu với doanh nghiệp lớn thì rất bình thường nhưng với HTX là vô cùng khó khăn, nhưng khi được hỗ trợ, HTX cũng đã làm được", bà Hoa cho biết thêm.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
https://danviet.vn/bac-kan-no-luc-dua-san-pham-ocop-ra-thi-truong-lon-cua-nhung-nong-dan-40-20201212015505422.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã