Quảng Ninh là địa phương sớm áp dụng KHCN vào nền sản xuất nông nghiệp đã có những kết quả tích cực, thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhiều năm qua, Sở NN-PTNT đã tập trung đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.
Thời gian qua, phong trào thi đua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã được các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh Quảng Ninh hết sức chú trọng. Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi ngày một tăng lên.
Việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường sự gắn kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giá trị hàng hoá. Chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm. Nhiều mô hình kinh tế mới ra đời, nhất là các mô hình kinh tế gia trại với việc đưa vào trồng trọt, chăn nuôi các cây, con giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Từ Văn Nam ở xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, một trong những hộ dân áp dụng thành công mô hình mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm cho hay: “Từ khi áp dụng KHCN vào nuôi trồng thủy sản, chúng tôi bớt đi lo ngại về dịch bệnh, lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Nhất là thời gian nuôi được rút ngắn so với công nghệ nuôi thông thường. Tôi nhận thấy quy trình nuôi chỉ sử dụng vi sinh, không sử dụng hóa chất nên tôm thương phẩm đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm và được các đơn vị thu mua quan tâm, ký hợp đồng bao tiêu”.
Chỉ trong thời gian ngắn, nông dân Quảng Ninh đã phát triển hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao có giá trị 150-300 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình được nâng tầm thành các trang, gia trại, doanh nghiệp… Có thể kể đến hàng loạt các mô hình bao tiêu trồng trọt công nghệ cao như: Hệ thống nông nghiệp cao đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh do tập Vingroup thành lập hay các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn; Tối ưu hóa hình thức nuôi thâm canh, nuôi tôm ở bể di động dựa vào địa thế của nông dân Uông Bí, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái...
Tiêu biểu là tập đoàn Việt Úc trở thành hạt nhân trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Đầm Hà, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm giống thủy sản của khu vực. Kể từ mẻ tôm giống đầu tiên vào tháng 3/2019 đến nay, Việt Úc xuất ra thị trường gần 1,5 tỷ con giống tôm, trong đó thị trường Quảng Ninh sử dụng 1 tỷ con giống.
Nhằm phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể, khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Đồng thời, tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong nước và nước ngoài.
Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đẩy mạnh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt của Quảng Ninh trên lộ trình mới. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị trên một đơn vị diện tích.
Nếu chỉ xét về 2 ngành chủ lực trong nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi, Quảng Ninh đã sớm thay đổi nền nông nghiệp lạc hậu, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Đồng thời, ứng dụng hợp lý từng mô hình chăn nuôi tại mỗi địa phương, qua đó tạo ra sản phẩm an toàn sinh học, khẳng định thương hiệu hoàn hảo cho mỗi sản phẩm.
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2019, sản lượng lương thực bình quân đạt 228 nghìn tấn/năm đảm bảo an ninh lương thực. Trong giai đoạn 2016-2020, năng suất lúa đạt 51,8 tạ/ha. Các vùng sản xuất tập trung đều tăng vượt quy hoạch về diện tích, sản lượng và giá trị. Xây dựng được chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác dồn diền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Qua đó, chuyển đổi 1.160 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây hoa màu và cây làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, hình thành 20 cánh đồng lớn tại Đông Triều và Quảng Yên với diện tích 844 ha.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng trồng trọt, sản xuất chuyên biệt, phát huy tối đa tiềm năng từ các yếu tố khí hậu thổ nhưỡng. Cụ thể, vùng sản xuất lúa chất lượng cao đạt diện tích 4.690 ha tăng 115 ha; Vùng trồng rau an toàn đạt 348 ha tăng 14 ha; vùng trồng vải 972 ha tăng 22 ha; vùng trồng cam 545 ha tăng 222 ha; vùng nuôi tôm tập trung 9.662 ha tăng 6.199 ha; vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm 1.730,6 ha tăng 456,3 ha; Vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt diện tích 2.451 ha tăng 96 ha. Hiện tại, một số vùng trồng cây ăn quả đã và đang triển khai mô hình sản xuất VIETGAP như: vùng vải chín sớm tại Uông Bí, vùng vải, vùng na theo quy trình VietGap tại Đông Triều.
Kết quả đạt được của cả giai đoạn 2016 - 2020, trong tổng số 3 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đến năm 2020 của ngành nông nghiệp có 3/3 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 ước đạt 3,5% (mục tiêu Nghị quyết là 3 - 5%); Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2020 ước đạt 98,3% (mục tiêu Nghị quyết là trên 98%); Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 55% (mục tiêu Nghị quyết là 54 - 55%).
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Sở đã yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển dần sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, với hướng đi là lựa chọn một số loại cây, con có ưu thế phù hợp với khí hậu, sinh thái đặc thù của tỉnh để phát triển thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Đồng thời tập trung phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là các tổ hợp tác, HTX để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị; thúc đẩy triển khai các giải pháp KHCN, ứng dụng công nghệ để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh thu hút một số nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch và định hướng phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Vân Đồn, Móng Cái, Đông Triều, Đầm Hà. Đến nay, nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn được hình thành, như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 1.690ha ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn, 348ha ở TX Quảng Yên; vùng trồng cây dong riềng, trên 516ha ở huyện Bình Liêu; sản xuất giống thủy sản chất lượng cao ở Đầm Hà, ông Giang nói thêm.
Theo Anh Thắng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã