Trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của quân đội và đất nước
Phát biểu tại lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, thời gian qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; quốc phòng, an ninh được củng cố ngày càng vững chắc. Đặc biệt, việc tiếp tục kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 đã góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh, trong đó có đóng góp của Học viện Quốc phòng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chúc mừng và biểu dương những thành tích, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Quốc phòng trong những năm qua.
Theo Phó Thủ tướng, là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của quân đội và của quốc gia, những năm qua, Học viện Quốc phòng đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng Học viện ngày càng chính quy, tiên tiến, mẫu mực, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong công tác đào tạo, Học viện đã luôn chú trọng xây dựng, đổi mới chương trình, nội dung với nhiều hình thức, biện pháp tổ chức sáng tạo, trên tinh thần lấy người học làm trung tâm. Học viện tổ chức tốt 80 khoá bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hơn 5.000 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang; đào tạo, bồi dưỡng được hàng chục nghìn cán bộ cao cấp cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho quân đội.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện đã chủ động nghiên cứu các đề tài, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, tích cực tham gia vào quá trình đổi mới tư duy quốc phòng, an ninh, quân sự và bảo vệ Tổ quốc. Học viện cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế về đào tạo, trong đó có việc tổ chức 5 khóa đào tạo quan chức quốc phòng của 26 quốc gia, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Làm tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, khó lường. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức không thể xem thường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, chiến tranh thương mại... vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đem lại nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với các nước, trong đó có Việt Nam.
Học viện Quốc phòng là học viện lớn của quốc gia, trung tâm đào tạo tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của quân đội và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trong thời gian tới Học viện cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chiến lược chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các vấn đề về chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, tăng cường hợp tác quốc tế trong tình hình mới, nhất là các nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hoà bình để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao khả năng, chất lượng dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm những nhân tố dẫn đến đột biến bất lợi.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng Học viện Quốc phòng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý Học viện Quốc phòng một số vấn đề lớn sau đây:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được trong những năm qua, tạo ra bước chuyển biến tích cực có tính đột phá về đổi mới chương trình, nội dung giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học, phù hợp với Chiến lược bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới, đi đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân đội và bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng, an ninh của cả nước.
Không ngừng đổi mới công tác huấn luyện-đào tạo phù hợp với đối tượng tác chiến và thực tiễn các phương thức tiến hành chiến tranh trên thế giới hiện nay, bảo đảm sâu sắc về lý luận, phong phú về thực tiễn, cập nhật, bổ sung kiến thức lý luận, thông tin mới về khoa học quân sự hiện đại và thực tiễn công tác tại đơn vị, địa phương vào bài giảng. Tích cực, chủ động áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và các phương pháp giáo dục, đào tạo tiên tiến vào huấn luyện-đào tạo.
Hai là, đẩy mạnh việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển khoa học quốc phòng, an ninh, quân sự trong tình hình mới. Đó là, tiếp tục làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận quốc phòng, an ninh, quân sự để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các vấn đề về quốc phòng, an ninh, gắn chặt giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nắm vững quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là những vấn đề về chiến lược quốc phòng, quân sự; phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, và quốc phòng, an ninh với đối ngoại..., phát hiện các vấn đề mới và phương pháp giải quyết, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở từng cơ quan, bộ, ngành và các địa phương.
Với vai trò là trung tâm khoa học quân sự hàng đầu, Học viện cần làm tốt công tác phân tích, đánh giá và dự báo chính xác tình hình có liên quan đến quốc phòng, an ninh, kịp thời đề xuất các chủ trương, biện pháp chủ động phòng ngừa và có các đối sách phù hợp, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo với việc cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu quốc phòng, an ninh các nước ngang tầm với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quân sự của đất nước và nền giáo dục quốc phòng tiên tiến trên thế giới.
Coi trọng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự giúp hai nước Lào và Campuchia. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, tiên tiến, chính quy, mẫu mục.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Học viện cần đi đầu trong việc thực hiện nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học đầu ngành vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có duy chiến lược, có trí tuệ và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Coi trọng nâng cao phẩm chất, năng lực, đạo đức người thầy, ngang tầm với vị trí, vai trò của Học viện.
Đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa, thực hiện tốt đề án xây dựng Học viện thông minh, tiếp cận công nghệ 4.0. Tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện, đào tạo, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị huấn luyện; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên và chiến sĩ. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, môi trường sư phạm tiên tiến, mẫu mực, kiên quyết không để những biểu hiện tiêu cực xâm nhập vào Học viện.
Tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm của Đảng.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Học viện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, điều hành, quản lý bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cao cấp; đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng Học viện Quốc phòng là trung tâm huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc phòng, an ninh, quân sự hàng đầu của nước ta.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Học viện. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Gắn lý luận với thực tiễn, thực hiện ‘3 thực chất’ trong dạy và học
Phát biểu tại lễ khai giảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Trần Việt Khoa cho biết, những năm qua, Học viện Quốc phòng đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng là trung tâm huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự hàng đầu của quân đội và đất nước, có uy tín trong khu vực và quốc tế.
Năm học 2020-2021, Học viện được giao mở các lớp như đào tạo cao cấp ngắn hạn chỉ huy-tham mưu cấp chiến lược, chiến dịch, đào tạo cao cấp lý luận chính trị, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh đối tượng 1…
Mỗi khoa học có chương trình, nội dung, yêu cầu khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch-chiến lược. Cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn quân sự, đường lối chính trị, quốc phòng và an ninh, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Học viện sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng toàn diện công tác huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học phù hợp với xu thế của giáo dục-đào tạo hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn, thực hiện nghiêm quy định, quy chế trong học tập, quyết liệt thực hiện “3 thực chất”, kiên quyết chống tiêu cực, bệnh thành tích trong hoạt động dạy và học.
Lê Sơn/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã