Giải pháp và kịch bản chuyển đổi số trong thời đại mới
Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03 tháng 06 năm 2020, nông nghiệp là một trong số các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Trước bối cảnh tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xoay trục trong các mục tiêu phát triển, ngành Nông nghiệp đang khẳng định vai trò “trụ đỡ của nền kinh tế”. Đặc biệt, khi đối mặt với những thách thức về sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày một nặng nề hơn và dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Nông nghiệp đã chứng tỏ được tầm quan trọng trong mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.
Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 được tổ chức với quy mô quốc gia, quốc tế nhằm thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về nông nghiệp Việt Nam đặt trong bối cảnh khu vực và thế giới. Đặc biệt là kiến tạo cơ hội tiếp cận những mô hình công nghệ hiện đại, những kinh nghiệm số hóa và làm sao để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn cho nông sản Việt vươn mình ra thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo “Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021” do Bộ Ngoại giao, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức sáng nay (10/9), Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Thân Văn Hùng cho biết, Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam bao gồm chuỗi chương trình với những phiên hội thảo chuyên đề bàn luận về những giải pháp và kịch bản chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Thân Văn Hùng, với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”, Diễn đàn sẽ tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách công - tư giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cùng các bên liên quan nhằm triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; đưa ra giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và định hình chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2035 cũng như các chương trình hành động để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về nông nghiệp số trên thế giới; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thuộc ngành nông nghiệp tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Diễn chúng ta sẽ có được cái nhìn tổng quát về nông nghiệp hiện tại, xu hướng phát triển ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp trên thế giới cũng như định hình kịch bản chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam đến năm 2025. Những kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Israel, Nhật Bản,... sẽ là những bài học quý báu rút ra cho Việt Nam.
“Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng. Thông qua Diễn đàn Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội mong muốn cung cấp tới các quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp những thực trạng, xu thế thị trường mới trong bối cảnh hiện tại nhằm góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19 và có những bước đi đúng đắn, tiến tới chuyển đổi số nông nghiệp một cách nhanh và hiệu quả nhất”, Phó Chủ tịch Thân Văn Hùng gửi gắm.
Mở nhiều cơ hội hợp tác
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên một diễn đàn nông nghiệp với quy mô lớn tại Việt Nam áp dụng công nghệ thực tế ảo. Đại biểu khi đăng ký tham dự sẽ được trải nghiệm không gian hội nghị ảo với các tính năng như: Check-in chụp ảnh kỷ niệm tại khu vực photobooth của chương trình, nhận hướng dẫn và tài liệu tại khu vực lễ tân, tham gia trực tiếp chương trình và đặt câu hỏi cho các diễn giả, trao đổi với các đại biểu khác cùng tham gia chương trình và nhiều tính năng hấp dẫn khác.
Nhờ sự hỗ trợ của những tính năng hiện đại này, người tham gia có thể tiếp cận với hình thức “hội nghị ảo - trải nghiệm thực”, dù không đến trực tiếp địa điểm tổ chức nhưng vẫn có thể theo dõi và tham gia mọi hoạt động trong Diễn đàn. Các đại biểu có thể đăng ký tham gia phiên toàn thể miễn phí tại mẫu đăng ký https://bitly.com.vn/ubrfld để theo dõi trực tiếp và trải nghiệm các tiện ích hiện đại của Diễn đàn.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Diễn đàn, một số hoạt động hấp dẫn khác cũng được tổ chức trên nền tảng trực tuyến như chuỗi tọa đàm xoay quanh chủ đề kinh tế nông nghiệp nhằm đi tìm lời giải cho các bài toán chính sách hiện đại hóa nền nông nghiệp theo hướng số hóa, tìm kiếm giải pháp bền vững để tối ưu hóa các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam - AgriTech Expo cũng là một trong những hoạt động nổi bật của Diễn đàn khi tiên phong áp dụng công nghệ thực tế ảo. Sau hơn hai tháng khởi động, Triển lãm đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, với 200.000 lượt tham quan gian hàng, hàng trăm lượt đăng ký mở gian hàng tại Triển lãm.
Trong thời gian sắp tới, Triển lãm cũng đón nhận các gian hàng từ địa phương và một số đại diện quốc tế khác, nhằm mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các bên. Doanh nghiệp quan tâm có thể đăng ký tham gia gian hàng tại mẫu đăng ký sau: https://bitly.com.vn/7vdtja để mở gian hàng trên Triển lãm Quốc tế thực tế ảo Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thanh Huân - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết, ban tổ chức đã gửi giấy mời tham dự Diễn đàn tới 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trong nước; Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; thông qua mạng lưới 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và các đối tác nước ngoài, đã nhận được sự hưởng ứng rất cao.
Cục trưởng Trần Thanh Huân chia sẻ, đối với quá trình mở rộng thị trường cho ngành nông nghiệp trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài đang có những bước tiến mới. Chúng tôi luôn tạo điều kiện và quan tâm tìm kiếm thị trường mới nhiều tiềm năng, đồng thời tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và áp dụng các thế mạnh về khoa học công nghệ để thúc đẩy ngoại giao kinh tế.
Diễn đàn sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 16/9/2021 với hai phiên chuyên đề và một phiên toàn thể, được truyền trực tuyến trên Báo điện tử VnExpress. Hai phiên chuyên đề với chủ đề “Hoàn thiện Hệ sinh thái cho chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam” và “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu số hóa nông nghiệp Việt Nam” có sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất hướng đi và giải pháp để hướng tới mục tiêu chuyển đổi số cho ngành Nông nghiệp Việt Nam. Cũng trong ngày 16/9, Phiên toàn thể với chủ đề “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19” có sự tham dự của các Bộ ban ngành, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các Hiệp hội, tổ chức Quốc tế và chuyên gia trong và ngoài nước. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng bàn luận về những khó khăn và thuận lợi khi chuyển đổi số tại Việt Nam; các cơ hội bứt phá cho nông nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra giải pháp và nguồn lực cho nông nghiệp số Việt Nam./. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã