Tuy vậy, vẫn chưa đúng với tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp Việt. Bởi vậy, giờ đây, nhiệm vụ báo chí không chỉ góp phần nâng cao giá trị mà còn đưa nông sản Việt bay cao, bay xa, khẳng định vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Kênh truyền thông quan trọng
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, báo chí là kênh truyền thông quan trọng, đa chiều, thông tin nhanh, giúp cho nông dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, báo chí góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản từ việc tuyên truyền đến người dân về sản xuất nông sản an toàn, thông tin kịp thời về thị trường, tiến bộ kỹ thuật, cách làm mới, sản phẩm mới, những điển hình tiên tiến trong sản xuất, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), báo chí, truyền thông đã giúp người dân nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có chất lượng và năng suất cao, quảng bá sản phẩm nông sản đến với người tiêu dùng... Đồng thời, lan tỏa các mô hình điển hình, tiên tiến, từ đó qua thực tiễn, người dân từng bước học hỏi và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, nâng cao giá trị nông sản, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy KT-XH phát triển gắn với xây dựng NTM.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, chia sẻ, báo chí phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành nông nghiệp. Qua báo chí, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, mô hình làm tốt, cách làm hay, những việc làm chưa tốt, chưa hay, mặt trái của nông nghiệp được phản ánh, từ đó thúc đẩy ngành nông nghiệp hoàn thiện, phát triển tốt hơn.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, truyền thông góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm chúng ta đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. Khi ngành nông nghiệp đang chuyển mình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì câu chuyện làm thương hiệu cho từng sản phẩm là rất quan trọng. Báo chí, truyền thông phải nêu lên được tiềm năng, lợi thế, cũng như phản ánh thực tế, thực trạng trong sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, từ đó các bộ, ngành có cái nhìn tổng quan, làm quy hoạch, xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp thực tế, thực thi, đi vào cuộc sống.
Lan tỏa những mô hình hiệu quả
Từ các mô hình hay, cách làm tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà báo chí phản ánh, nhiều nông dân, nhà vườn đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó về phát triển tại gia đình, trang trại, nhiều người đã thành công, có thu hàng chục tỷ đồng/năm. Mô hình trồng cam của ông Bùi Đức Long (Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang), mô hình VAC tổng hợp của ông Nông Văn Thắng (Đức Ninh, Hàm Yên, Tuyên Quang) là điển hình trong số đó.
Ông Long tâm sự, trước đây gia đình trồng vải thiều, qua báo, đài biết được ở Văn Giang (Hưng Yên) có những mô hình trồng cam đường hiệu quả. Theo địa chỉ trên báo, tôi đã xuống tận nơi tham quan, học hỏi, về áp dụng vào mô hình thực tế của gia đình, kết quả đã thành công. Có thời điểm doanh thu của gia đình đạt hơn 5 tỷ đồng/năm. Không dừng lại ở đó, nhờ báo chí giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, qua đó tạo thương hiệu, nâng cao được giá trị sản phẩm.
Theo ông Nông Văn Thắng, trước đây chưa có báo mạng, ai có được tờ báo giấy là rất quý, nhờ báo chí mà nhiều mô hình, cách làm hay đã trở thành cộng đồng trí tuệ tuyệt vời nhất do nhà báo đứng lên kết nối lại để các mô hình trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Ông Thắng tâm sự, đọc báo tôi biết ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có cây sưa đỏ trồng rất hiệu quả nên đã tìm đến học hỏi, tìm giống về trồng. Giờ tôi kết hợp nhiều mô hình, tầng trên cao trồng sưa, dưới thấp trồng bưởi, dưới nữa để phủ đất, chống xói mòn thì trồng cỏ lạc, chăn nuôi gà, cá, trên cây bưởi nuôi kiến vàng để bắt côn trùng, tạo thành mô hình hữu cơ kép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với bưởi mất mùa nhưng doanh thu của gia đình vẫn đạt trên 500 triệu đồng.
Từ các thông tin trên báo chí, ông Thắng đã nhạy bén trong việc chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Từ trồng đu đủ, chuyển sang trồng hồng Lục Yên (Yên Bái), thu tới 500 triệu đồng/năm, đến việc trồng bưởi (600 cây), kết hợp với trồng gần 2.000 cây sưa, nuôi gà, cá, tạo thành mô hình hữu cơ khép kín. Hiện, hàng nghìn cây sưa của gia đình ông Thắng đã hơn 10 năm tuổi, giá trị kinh tế mang lại là rất lớn.
Nâng tầm nông sản Việt
Theo ông Nguyễn Văn Việt, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức nhiều chuyên đề, chuyên mục nông nghiệp, thủy sản nhằm truyền tải kiến thức bổ ích, tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Báo chí đã kịp thời giới thiệu các mô hình sản xuất mới, có hiệu quả đến với nông dân; giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng.
Ông Việt cho biết, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đưa tin về Tuyên Quang. Trong đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tạp chí Kinh tế nông thôn đã đồng hành với ngành nông nghiệp Tuyên Quang một cách chủ động, tích cực.
Bằng giá trị thật, thông qua các hình thức tuyên truyền của báo chí mà sản phẩm của người nông dân Tuyên Quang được nhiều khách hàng tiêu dùng biết đến; góp phần vinh danh nhiều thương hiệu nông sản, như: Cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè hữu cơ Shan tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng, ông Việt cho biết thêm.
Ông Dương Thanh Tùng tâm sự, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều nông sản chủ lực, do vậy, báo chí đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tỉnh phát triển đúng hướng. Qua báo chí giúp cho nông dân có cái nhìn đầy đủ hơn về nông nghiệp, từ đó giúp họ xác định được hướng sản xuất, hiểu biết về sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất hàng hoá, thậm chí cái mới là số hoá nông nghiệp, mô hình HTX, mô hình liên kết.
Theo ông Tùng, báo chí góp phần giúp nông nghiệp Bắc Giang khởi sắc. Khởi sắc này thổi hồn qua báo chí, các tin về nông sản của tỉnh được cất cánh. Nói như Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Thái, vải Bắc Giang bay cao, bay xa, bay tới tận hơn 30 nước trên thế giới. Nghĩa là nông sản đã được bay cao, bay xa, trước kia không ai nghĩ đến.
“Thông qua báo chí, Bắc Giang nhận ra những tồn, hạn chế của mình. Ví dụ, thời kỳ chúng ta lạm dụng thuốc BVTV, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, sử dụng phân bón vô cơ quá nhiều dẫn tới năng suất cao nhưng chất lượng thấp, những tiêu cực, hạn chế yếu kém ở cơ sở, khủng hoảng cung cầu…, từ đó giúp cơ quan chuyên môn nhận ra để khắc phục”, ông Tùng nói.
Trên cơ sở thực tiễn, báo chí đã làm rõ lợi ích của sản xuất nông sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó mở rộng vùng trồng có mã vùng, vùng sản xuất hàng hóa có liên kết, hợp tác, cơ sở đầu tiên để nông sản Việt đi xa hơn, rộng hơn, nhiều hơn.
Mong báo chí quan tâm hơn đến thông tin kinh tế và thị trường nông sản
Trao đổi về những hạn chế của báo chí trong tuyên truyền về lĩnh vực tam nông, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, ngành nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh sang nền nông nghiệp hàng hóa, đòi hỏi các thông tin kịp thời, chính xác, sâu rộng về thị trường. Tuy nhiên, báo chí, truyền thông còn ít nội dung này, chưa có nhiều thông tin phân tích sâu, có chất lượng về thị trường nông sản, đặc biệt là thị trường nông sản xuất khẩu.
“Chúng tôi mong thời gian tới, báo chí tiếp tục giới thiệu kịp thời tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất mới đến với nông dân. Đặc biệt, thông tin kịp thời giá cả các mặt hàng nông sản, dự báo chuyên sâu về thị trường nông sản trong và ngoài nước, giới thiệu những kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật nông nghiệp của các nước, phân tích những thách thức, những yêu cầu đối với nông sản Việt Nam khi xuất sang các nước”, ông Việt nói.
Còn theo ông Dương Thanh Tùng, báo chí cần hướng vào người nông dân. Nếu tôn chỉ mục đích nói về nông nghiệp thì mục đích đặt ra cuối cùng, chủ thể cuối cùng là nông dân. Nếu chúng ta vì nông dân, viết bài vì nông dân, vì lợi ích của họ thì mình sẽ viết làm sao có lợi cho người nông dân, từ đó mới có những bài viết hay, chuyên sâu.
Bà Ngô Tường Vy cũng kiến nghị, cần rà soát về thông tin, để các thông tin của báo chí phản ánh một cách thực tế, chính xác, không để xảy ra tình trạng giật tít theo kiểu giật gân làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các sản phẩm. Khi giật tít không đúng hay gây hiểu nhầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sản xuất, thương hiệu doanh nghiệp, thị trường và tâm lý người tiêu dùng. Thời gian tới báo chí cần cải thiện vấn đề này.
“Truyền thông trong nước là một phần, tôi mong muốn thông tin ở các nước mà sản phẩm của Việt Nam đang khá thành công ở đấy. Từ thông tin đó tạo nên niềm tin cũng như giá trị thương hiệu của các sản phẩm xuất khẩu, sẽ làm bàn đạp cho thị trường và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Cả báo chí trong nước và ngoài nước làm sao có sự phối hợp với nhau để trong giai đoạn chuyển mình của ngành nông nghiệp, chúng ta sẽ hỗ trợ hết mình với ngành, với doanh nghiệp, với nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản”, bà Thu bày tỏ mong muốn.
Theo Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/bao-chi-gop-phan-nang-tam-va-dua-nong-san-viet-di-xa-hon-rong-hon-nhieu-hon-post43203.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã