Học tập đạo đức HCM

Ninh Thuận: Ở nơi nắng phai màu áo, đất khô cằn, táo, măng tây, nho vẫn cho nông dân thu tiền tỷ

Thứ tư - 16/06/2021 19:53
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ở những vùng đất có nguy cơ suy thoái, khô hạn, sa mạc hóa, nhiều loại cây trồng vẫn sinh trưởng tốt, cho thu nhập cao. Mô hình trồng táo, măng tây hay trồng nho ở Ninh Thuận là một ví dụ.

7,6 triệu hecta đất có nguy cơ suy thoái

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất.

 Tuy nhiên, có những vùng đất là sa mạc hóa tự nhiên do không trải qua quá trình hình thành đất đầy đủ. Tại Việt Nam, diện tích sa mạc tự nhiên khoảng 400.000 ha.

Với đất canh tác, suy thoái đất ở Việt Nam được phân chia thành bốn mức độ: Nhóm diện tích đất có nguy cơ suy thoái, khoảng 6,7 triệu ha; nhóm diện tích đất có dấu hiệu suy thoái, khoảng 2,4 triệu ha; nhóm diện tích đất đã bị suy thoái, khoảng 1,3 triệu ha; cuối cùng là đất bị suy thoái thành sa mạc nhân tạo, chỉ chiếm diện tích ít ỏi, vài nghìn hecta.

Theo ông Phạm Văn Điển, diện tích sa mạc của Việt Nam hiện nay không đáng kể. Đó là kết quả của các giải pháp căn bản và mang tính chiến lược để bảo vệ đất như phát triển rừng, canh tác nông nghiệp và sử dụng đất hợp lý, lâu bền gắn với việc giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Ninh Thuận: Ở nơi nắng phai màu áo, đất khô cằn, táo, măng tây, nho vẫn cho nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Mô hình trồng măng tây xanh của ông Hùng Ky (xã An Hải, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cho thu nhập cao. (Ảnh: Công Tâm).

Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6) được Ban thư ký UNCCD đặt trọng tâm vào việc cải tạo, phục hồi đất bị suy thoái.

Phục hồi diện tích đất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và an ninh lương thực.

Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi đa dạng sinh học, giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển đang làm nóng trái đất, giảm tốc độ biến đổi khí hậu.

Trên toàn cầu, 1/5 diện tích đất - hơn 2 tỷ ha - bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. 

Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. 

Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỷ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu khả quan khi Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp quốc (UNCCD) chỉ ra, khoảng 1 tỷ ha đất vẫn có thể được phục hồi trong vòng 10 năm tới để đảo ngược quá trình suy thoái này.

Chống sa mạc hóa, Ninh Thuận phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn từ việc chống sa mạc hóa. 

Từ "đáy" về tỉ lệ che phủ rừng vào năm 1993 (27,8%), đến nay chúng ta đã có tỉ lệ che phủ rừng lên đến 42%, trong khi trung bình của thế giới là 31%.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngành lâm nghiệp tiếp tục có những chiến lược, chương trình và kế hoạch để nâng cao chất lượng rừng cây che phủ, tạo lập một hệ sinh khối xanh trên mặt đất thông qua bảo vệ rừng tự nhiên (10,3 triệu ha) và trồng rừng gỗ lớn (hiện có 300.000 ha, cần đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030).

Ninh Thuận: Ở nơi nắng phai màu áo, đất khô cằn, táo, măng tây, nho vẫn cho nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Mô hình trồng táo ở Ninh Phước, Ninh Thuận cho thu nhập cao nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. (Ảnh: http://viennhaho.org.vn).

 Thực hiện được điều này không những phát huy chức năng bảo tồn nhiên nhiên, duy trì và nâng cao độ phì của đất, mà còn cung cấp nguyên liệu cho chế biến và thương mại lâm sản, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Phòng chống suy thoái đất không chỉ giới hạn ở ngành lâm nghiệp mà thể hiện ở toàn ngành nông nghiệp. 

Theo đó, việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ chính là tiếp cận đúng đắn, thể hiện tư duy kinh tế thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Điều này có thể thấy ở nhiều chương trình có tầm nhìn xa của Chính phủ, điển hình như Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành ngày 17/11/2017. Đây là Nghị quyết không chỉ mang tính chất ứng phó với những tác động tiêu cực của khí hậu, mà nó còn là tiền đề để điều chỉnh hành vi sản xuất, canh tác theo hướng thuận thiên, giữ và cải tạo tự nhiên theo hướng tích cực".

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển: "Chúng ta có thể thấy rõ, sau quá trình tìm tòi và nỗ lực bền bỉ, canh tác trên những vùng đất khô hạn, có dấu hiệu suy thoái, những sản vật như thanh long, nho, tỏi, mắc ca hay thậm chí những cây thân gỗ như xoan chịu hạn đã mang lại thu nhập kinh tế cho người dân. 

Không chỉ vậy, nhiều vùng cát ở duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dần hồi sinh, chuyển từ trạng thái "cát" sang "đất" với màu xanh bạt ngàn của rừng phi lao, keo lá liềm ven biển".

Đơn cử như tại Ninh Thuận, dù gặp nhiều khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng và liên tục, nhờ xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã giúp Ninh Thuận có được nhiều vùng chuyên canh táo, nho, măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện, các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở Ninh Thuận phát triển mạnh và đạt doanh thu từ 2-3 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Trong khi đó, các mô hình như trồng măng tây xanh, nho công nghệ cao, giống mới, trồng táo bao lưới của Ninh Thuận đều cho doanh thu từ 600 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Theo kế hoạch trong quý IV/2021, World Bank sẽ giải ngân số tiền 51,5 triệu USD đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ cacbon rừng - số tiền thu được từ các nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống suy thoái đất ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. 

Như vậy, trên bước đường phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được mục tiêu "kép" là chống suy thoái đất và đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.

Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
https://danviet.vn/ninh-thuan-o-noi-nang-phai-mau-ao-dat-kho-can-tao-mang-tay-nho-van-cho-nong-dan-thu-tien-ty-20210616185641048.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập198
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại873,835
  • Tổng lượt truy cập90,937,228
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây