Khi nhắc đến nông dân Nguyễn Văn Quang (thôn Cao Cảnh,xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), ai cũng ghi nhận một nghị lực vươn lên, không cam chịu đói nghèo.
Cách đây hơn 10 năm, khi phong trào trồng cao su phát triển mạnh, ông Quang mạnh dạn vay mượn tiền mua lại hơn 10ha đất đồi để cải tạo trồng loại cây được mệnh danh “nữ hoàng vùng đồi” này. Khi cây cao su vừa chớm thời gian khai thác mủ những trận gió bão lớn ập đến khiến vườn cao su của ông bị gãy đổ gần hết. Nhìn vườn cao su gãy gục mà lòng ông như thắt lại. Hy vọng dồn vốn vào cao su để thay đổi giờ gia đình ông lại lâm vào cảnh khó với nợ nần nặng lòng.
Không cam chịu trước số phận, ông quyết tâm tìm kiếm hướng phát triển kinh tế mới. Qua xem sách báo, ti vi và tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, ông nhận thấy các loại cây có múi như cam, bưởi có giá trị kinh tế cao. Vùng đấy vườn đồi chắc chắn phù hợp với loại cây trồng này.
Nghĩ là làm, đầu năm 2016, ông Quang bắt tay vào cải tạo, chuyển đổi 3ha đất đồi để trồng hơn 500 gốc cây cam Xã Đoài và 300 gốc cây bưởi da xanh. Tính siêng năng, chịu thương, chịu khó kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã mang lại cho gia đình ông thành quả bước đầu.
Vườn cam, bưởi bén đất, sinh trưởng phát triển tốt. Đến giữa năm 2020, hơn 300 gốc cam đã cho thu hoạch. Tự tay hái những lứa cam đầu tiên làm ông không cầm được nước mắt. Sau khi bán hết, trừ chi phí, ông Quang nhẩm tính thu về gần 150 triệu đồng.
Vụ cam đầu làm ông phấn chấn và có thể khẳng định đã có hướng đi đúng. Vụ cam năm nay cũng sai quả. Theo tính toán của ông, nếu năm nay, giá cam Xã Đoài đạt 30.000 đồng/kg gia đình ông sẽ có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Quang cho biết: “Thời gian qua, tôi đã nghiên cứu kỹ về các giống cây cam, sau khi tìm hiểu từ các tỉnh bạn, bản thân nhận thấy cây cam khá phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng miền núi Cao Quảng nên đã quyết định chọn giống cam Xã Đoài để trồng. Giống cam này thơm ngon, ngọt, được xem là đặc sản.".
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Quang còn nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: sầu riêng, mít, ổi… Đến nay, ngoài 3ha trồng cây có múi, trang trại của gia đình ông còn có 5ha diện tích trồng sả và các loại cây ăn quả khác, 1ha diện tích ao cá, trên 20 đàn ong lấy mật…
Riêng đối với cây sả, sau khi nhân giống thành công, ông Quang lại tiếp tục tìm hiểu quy trình kỹ thuật chiết xuất tinh dầu và tự thực hiện các bước khép kín ngay tại trang trại. Trung bình mỗi năm ông thu hoạch 5 lứa sả nguyên liệu, mỗi lứa chiết xuất hơn 60 lít tinh dầu. Với giá thị trường hiện nay, mỗi lít được bán từ 1,6 đến 2 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng từ trồng sả.
Mạnh dạn đầu tư, không nản lòng trước thất bại và tìm tòi hướng đi mới phù hợp với điều kiện đất đai đã cho ông Nguyễn Văn Quang một nội lực mới. Thu nhập từ trang trại ban đầu cũng chưa được nhiều, nhưng ông cũng trang trải được nợ nần và có tích lũy cho tái đầu tư sản xuất. “Khi trang trại đã có thời gian và cây cối mượt mà thu nhập tiền tỷ cũng chẳng có gì là xa lạ”, ông Quang nói trong niềm vui.
Theo M. Hạnh - T. Phùng - C. Điền/nongnghiep
https://nongnghiep.vn/bien-doi-hoang-thanh-trang-trai-tien-ty-d299199.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã