Trong buổi họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL sáng 7/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nêu 3 vấn đề mà Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung tháo gỡ trong thời gian trước mắt.
Một, là tình hình tăng giá của phân bón và các loại thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Sở NN-PTNT và các Chi cục địa phương cần làm rõ, tại sao có hiện tượng như vậy. Ngoài ra, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp, chung tay vì mục tiêu chung là ổn định an ninh lương thực.
"Đây là vấn đề tôi rất bức xúc. Chúng ta cần làm rõ, hiện tượng tăng giá này là cục bộ hay như thế nào? Không thể lấy lý do, là chuẩn bị vào vụ sản xuất mới, hay giãn cách xã hội, để tất cả cùng tăng giá. Giờ là lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải cùng nhau suy nghĩ vì lợi ích cho bà con nông dân", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Vấn đề thứ hai Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt ra, là tiêm vacxin cho người lao động tại các nhà máy chế biến và lực lượng thu mua lúa, nông sản thiết yếu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế hỗ trợ để sớm tiêm vacxin cho lực lượng sản xuất trực tiếp, đảm bảo nguồn cung ứng lương thực và đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản.
Nguyên nhân được Thứ trưởng đưa ra, là bởi nhiều nhà máy chế biến hiện nay đang triển khai phương án "3 tại chỗ" - sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ - nhưng tính đến đầu tháng 8/2021, những đơn vị này mới triển khai tiêm được 30-40% lực lượng lao động. Đây là yếu tố dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
"Dịch bệnh có thể kéo dài hết năm nay. Chúng ta có thể hạn chế đi lại, nhưng lương thực vẫn phải tuyệt đối đảm bảo", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Điều cuối cùng Thứ trưởng băn khoăn, là tiến độ thu hoạch lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long và kế hoạch chuẩn bị cho vụ tới. Theo báo cáo của Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm khoảng 20-30%.
Một số khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, là không đủ khả năng thực hiện 3 tại chỗ, các cơ sở sấy, xay lúa... không hoạt động được do thiếu test nhanh. Một số doanh nghiệp hiện còn thanh khoản nốt hàng tồn kho và chưa tổ chức ký kết hợp đồng mới cho bà con.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam ước tính, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa. Hiện công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở Long An, các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa biết sẽ xử lý ra sao.
Trước những con số này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phải có những biện pháp quyết liệt, nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề trước mắt.
"Đề nghị các đồng chí, sau buổi họp hôm nay sẽ tiếp tục làm việc với các hợp tác xã sản xuất nông sản, lắng nghe tâm tư của họ, để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Tôi hy vọng các bên sẽ ngồi lại được với nhau, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước, nhằm hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ nông sản”, ông bày tỏ.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phai-cung-nhau-chia-se-vi-loi-ich-nong-dan-trong-luc-kho-khan-nay-d299354.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã