Đây là điểm đặc sắc của sản phẩm ống hút làm từ tinh bột các loại rau, củ, quả do anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) sáng tạo nên.
Anh Tám chia sẻ: Sau 11 năm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bên Hàn Quốc, từ những kiến thức học được trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa ở nước bạn, anh quyết định về nước khởi nghiệp bằng chính lĩnh vực này.
Năm 2016, anh thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng. Trên khu đất hơn 1.500 m2, anh phát triển 6 mô hình nhà màng công nghệ cao của Israel chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch.
Chứng kiến nhiều loại nông sản, rau quả thường xuyên chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đã dấy lên trong anh suy nghĩ làm thế nào để nâng được giá trị và tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản.
Như một sự tình cờ, trong dịp đi nghỉ mát cùng gia đình, anh thấy tình trạng ống hút nhựa bị người dân thải ra môi trường một cách vô tội vạ, trôi dạt trên mặt biển rất khó phân hủy. Sau chuyến đi đó, ý tưởng về một loại ống hút thân thiện với môi trường bắt đầu được hình thành.
Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm kiếm thông tin, mày mò nghiên cứu, ròng rã suốt 3 năm với hàng trăm lần thử nghiệm. Có thời điểm anh phải bỏ đi cả chục tấn nguyên liệu, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng mới cho ra được sản phẩm ống hút như mong muốn.
Theo anh Tám, khó khăn lớn nhất khi sản xuất ống hút rau, củ, quả là giữ được độ cứng và cấu trúc của ống khi sử dụng ở nhiều môi trường đồ uống khác nhau như nước nóng, nước lạnh, nước có ga...
Bên cạnh đó, để cho ra một chiếc ống hút đạt chuẩn, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn có những yêu cầu riêng vì nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, chỉ cần sai công thức hoặc một sơ suất nhỏ sẽ thất bại ngay.
Điểm khác biệt của loại ống hút này là được làm hoàn toàn từ tinh bột của các loại củ như cà rốt, khoai lang, củ cải... Các loại rau có màu xanh, vàng, tím được dùng để tạo màu sắc cho sản phẩm bắt mắt hơn. Ngoài công dụng chính làm ống hút, người dùng có thể ăn trực tiếp, xào, luộc, rán thành các loại snack…, tạo ra những món ăn giàu dinh dưỡng và lạ miệng.
Ống hút rau, củ, quả sẽ trở nên mềm nhẹ sau khoảng 30 phút cắm vào nước ấm. Nhưng vẫn giữ được cấu trúc cũng như độ cứng để sử dụng trong 10 giờ đồng hồ tiếp theo. Sản phẩm chỉ tan ra khi bị ngâm liên tục trong môi trường nước sau hơn 1 ngày. Mỗi chiếc ống hút sử dụng một lần, hạn dùng lên tới 18 tháng, dễ dàng phân hủy nên không gây hại cho môi trường.
Anh Tám cho biết thêm: Hiện nay, xu hướng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường đang được xã hội khuyến khích. Trong khi mảng sản xuất ống hút từ rau, củ quả chưa nhiều người tham gia nên đầu ra đối với sản phẩm này không quá khó khăn.
Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 50.000 ống hút, cung cấp cho các quán cà phê, giải khát trên địa bàn Hà Nội, đưa vào hệ thống resort tại các khu du lịch ở Việt Nam như Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Bên cạnh việc phân phối tại thị trường nội địa, ống hút rau củ quả của HTX đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Anh…
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối năm 2020, sản phẩm ống hút của HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Thành phố Hà Nội chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Nói về hướng đi trong tương lai, anh Tám cho biết: HTX sẽ hoạt động song song trong 2 mảng là sản xuất nông sản sạch và chế biến ống hút thân thiện với môi trường. Việc sản xuất ống hút sẽ giúp HTX phát triển mảng chế biến sâu, góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ và bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã