Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I là một trong số doanh nghiệp tầm cỡ thuộc lĩnh vực nông nghiệp tại Bình Dương với diện tích canh tác hàng trăm héc-ta, đội ngũ lao động hàng nghìn người. Mặc dù đối mặt với những khó khăn chung của ngành nông nghiệp, song với sự đầu tư căn cơ và bài bản ngay từ ban đầu, U&I đã vượt qua nhiều thử thách trước đại dịch Covid-19.
Ông Phạm Quốc Liêm, Giám đốc Công ty U&I, cho biết, chuối và dưa lưới là hai loại cây trồng chủ lực của công ty. Hiện quy mô chuối của U&I khoảng 500 ha, dưa lưới 10 ha, mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn sản phẩm, trong đó 60% sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông thu về nguồn ngoại tệ lớn.
Để U&I phát triển đến ngày hôm nay, ông Liêm khẳng định đó là sự đầu tư căn cơ và bài bản. Gọi là căn cơ vì công ty không nôn nóng trong việc phát triển ngay một loại cây nào đó. Khi triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao, công ty đã mất từ 3-5 năm để trồng khoảng vài chục loại cây trồng với quy mô rất nhỏ để tìm ra loại cây trồng vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa có thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.
Khi tìm ra được cây chuối và dưa lưới, công ty từng bước nhân rộng và nghiên cứu sâu về mặt công nghệ, nghiên cứu sâu về mặt thị trường để đảm bảo sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt nhất trên thế giới và có đủ khả năng để tiêu thụ.
Ông Phạm Quốc Liêm cho rằng, một số doanh nghiệp thậm chí là doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã nôn nóng, cho rằng làm nông nghiệp cũng giống như những ngành công nghiệp khác, có nghĩa là nơi mà đưa cùng một yếu tố đầu vào cộng với quy trình sản xuất chuẩn thì có cùng yếu tố đầu ra.
Tuy nhiên, nông nghiệp không phải như vậy và công ty đã có sự tính toán, có sự phát triển từng bước để một khi hội tụ đủ nền tảng về công nghệ, nền tảng về kỹ thuật, nền tảng thị trường thì công ty tăng tốc, phát triển lớn mạnh.
"Một héc-ta chuối cần trung bình 2,5 người lao động. Nếu 100 ha cần ít nhất 250 người được đào tạo bài bản. Vấn đề làm sao để quản lý được 250 con người hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả. Chúng tôi có những phần mềm, chương trình để quản lý, đào tạo con người như thế", ông Liêm tiết lộ.
Theo đó, trong năm 2020 và đặc biệt vào lúc này, dịch Covid-19 tàn phá nặng nề hầu hết các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp, thì U&I vẫn trụ vững vì sự đầu tư căn cơ và bài bản. Đặc biệt, cách đây 3 năm, công ty đã áp dụng thành công công nghệ bảo quản sau thu hoạch để không tồn đọng lớn nguồn hàng tươi, gây hư hỏng. Cộng với thị trường đa dạng được xây dựng từ trước nên bất chấp dịch Covid-19, U&I vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất và tiêu thụ tốt.
Theo ông Phạm Quốc Liêm, để chuối tươi được xuất khẩu thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe. Mặc dù quy trình sản xuất của công ty có thể nói là hiện đại nhất hiện nay, thế nhưng vẫn có ít nhất 5% chuối không đạt tiêu chuẩn.
Để giải quyết lượng chuối tồn động này, thay vì dùng để bán cho thị trường trong nước, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, công ty chế biến ra sản phẩm chuối sấy.
Với công nghệ sấy chuối tiên tiến bằng năng lượng mặt trời, sản phẩm làm ra có độ dẻo, thơm và ngọt vừa phải, đặc biệt rất thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện đã công ty đã được một đối tác lớn bên Nga đặt hàng và ký hợp đồng. Đây được xem là thành công mới trong mùa dịch.
Với diện tích trồng và liên kết sản xuất gần 800 ha mít ruột đỏ, HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện, huyện Bù Đốp được xem là một trong những HTX tiên phong của tỉnh Bình Phước trong việc xây dựng chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn giữa đại dịch Covid-19, nhưng HTX đã có những điều chỉnh kịp thời theo sự biến động của dịch bệnh và thị trường.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 18 thành viên cùng hàng trăm hộ dân trên khắp mọi miền tham gia liên kết sản xuất. Để vận hành bộ máy trơn tru, ngay từ đầu, HTX đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ số để đưa ra quy trình sản xuất hoàn chỉnh từ cánh đồng đến nhà máy.
Theo đó, HTX có hồ sơ lưu trữ trên sàn điện tử, khi thành viên HTX hoặc các hộ liên kết bắt đầu trồng, HTX cử bộ phận kỹ thuật xuống tận vườn đánh mã số vùng trồng và hướng dẫn bà con làm nhật ký điện tử. Từ đó, chỉ cần thông qua trang chủ, HTX sẽ quản lý được cây đã phát triển đến mức độ nào và đang ở giai đoạn nào, cho thu hoạch ở thời điểm nào.
Trước tình hình dịch Covid-19, HTX đã sớm có kế hoạch điều chỉnh thời vụ và thu hẹp sản xuất nhằm duy trì sản xuất ổn định. Theo đó, ngay từ khi dịch bùng phát, HTX chủ động yêu cầu bà con loại bỏ những cây kém phát triển nhằm giảm chi phí chăm sóc và dưỡng cây khỏe. Đối với những trái khỏe đã định hình tiếp tục chăm sóc để cung ứng cho các đối tác truyền thống nhằm duy trì chuỗi sản xuất.
Mặt khác, trong thời điểm lưu thông ách tắc ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, HTX Phước Thiện đã chủ động xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm như mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh để bảo quản và đa dạng hóa sản phẩm.
Song song đó, HTX kích hoạt hệ thống bán hàng qua kênh online, đẩy mạnh đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Thành công bước đầu của HTX là thông qua sàn giao dịch HTX đã được một công ty tại Hà Lan cam kết nhập khẩu số lượng 2 tấn mít/tuần.
"Đứng trước nguy và cơ trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã có những bước đi để tiến sang thị trường châu Âu và thương mại hóa sản phẩm rất tốt. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết trong hệ thống khoảng 3.000 ha và thêm 3.000 ha ngoài hệ thống để làm chủ thị trường", ông Vị cho hay.
Mở "chợ" trên facebook, zalo
Thị xã Hoà Thành, thủ phủ nhãn da bò, khoai môn của tỉnh Tây Ninh, thời điểm này, bà con nông dân đang bước vào mùa thu hoạch rộ.
Nhiều năm gắn bó với cây ăn trái nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Thành Nhất, ngụ ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành gặp tình trạng trái cây khó bán như hiện nay. "Gia đình tôi có gần 1 ha nhãn da bò đang chờ thu hoạch. Giá nhãn hiện chỉ còn 3.000 đồng/kg, thương lái lại không thu mua. Trước tình hình khó khăn chung, tôi không thể chờ giải cứu nên nhờ người thân trong gia đình rao bán nhãn trên mạng xã hội như zalo, facebook…", ông Nhất nói.
Bà Trương Thị Mỹ, ngụ cùng ấp cho biết: “Gia đình tôi còn gần 2 tấn nhãn chín nhưng không ai mua, mỗi ngày tôi hái hơn 200 kg đem ra chợ bán với giá 5.000 đồng/kg. Thời điểm khó khăn này, nông dân phải cùng nhau chia sẻ, và hơn ai hết chính mình phải tìm đầu ra cho sản phẩm".
Theo Hội Nông dân thị xã Hoà Thành, trên địa bàn có hơn 15 tấn nhãn tiêu da bò, 5 tấn nhãn xuồng và 200 tấn khoai môn đang chờ thu hoạch. Giá cả hầu hết đều giảm sâu, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Trước tình hình đó, Hội Nông dân thị xã tổ chức thống kê về tình trạng dư thừa trái cây của các nhà vườn để có giải pháp hỗ trợ, tìm hướng tiêu thụ giúp người dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội để quảng bá.
Theo Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh, với tinh thần hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố vận động cán bộ, hội viên mua ủng hộ 39 tấn nhãn da bò, giá 15.000 đồng/kg và hỗ trợ các nông sản khác ứ đọng tại địa phương như 331 tấn bắp nếp, 68 tấn mãng cầu, 6 tấn nhãn xuồng, 11 tấn thanh long…
Theo Trần Trung/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/bai-3-kinh-nghiem-tru-vung-cua-doanh-nghiep-nong-nghiep-co-hang-nghin-lao-dong-d299466.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã