Cua Năm Căn từ lâu đã được khắp nơi biết đến với chất lượng thịt vượt trội. Tận dụng lợi thế đó, nhiều nông dân ở đây là phát triển nghề ươm, gièo cua giống. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu về cua giống của thị trường rộng lớn trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận.
Theo nhiều nông dân xã Hàm Rồng, (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) nơi có nhiều hộ theo nghề ươm, gièo cua giống, đây là nghề có từ lâu đời tại địa phương.
Tuy nhiên, hơn chục năm trước chỉ có một vài hộ làm nghề nuôi cua giống, về sau thấy mô hình có hiệu quả nên các nông dân học hỏi lẫn nhau cùng thực hiện.
Có mặt tại tổ hợp tác ương, gièo cua giống ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) chúng tôi được các nông dân ở đây cho biết, do nhu cầu thị trường, cộng với cung cấp được giống cua đạt chất lượng đã giúp cho tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển.
Nhờ biết tận dụng đất trống và lợi thế kinh nghiệm trong nuôi cua biển, nhiều nông dân trong tổ hợp tác cua giống Cái Trăng đã phát triển mạnh nghề ươm, gièo cua giống, mang lại thu nhập ổn định.
Đến nay thương hiệu cua giống Cái Trăng được nhiều người biết đến và bạn hàng khắp nơi tin tưởng.
Tháng 7/2012, tổ hợp tác ươm, gièo cua giống ấp Cái Trăng hình thành, với 16 thành viên. Về sau, qua quá trình xây dựng và phát triển tổ nâng lên 49 thành viên và chia làm 3 tổ nhỏ để dễ quản lý. Theo nhiều nông dân, đây là mô hình có hiệu quả và dễ thực hiện.
Hiện mỗi tổ viên có trung bình 15-20 ao cua giống, lợi nhuận trung bình từ 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, cua giống Cái Trăng hiện được bán đi khắp nơi, từ các địa phương trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận, đến cả các tỉnh ngoài miền Trung.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đoàn Văn Tuyên, Tổ trưởng tổ hợp tác ươm, gièo cua giống Cái Trăng, cũng là người tiên phong thực hiện mô hình, chia sẻ: "Từ khi bắt đầu thực hiện mô hình, hơn chục năm nay gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Cũng từ những con cua giống "tí hon" này mà nhiều hộ cũng ăn nên làm ra".
Theo ông Tuyên, từ khi bắt con cua mê (con cua nở từ ấu trùng) về, nông dân mất khoảng 5-15 ngày ươm là có thể xuất bán.
Về kỹ thuật, bà con ở đây đều nắm rất vững do có nhiều kinh nghiệm và có sự trao đổi thường xuyên với nhau. Riêng gia đình ông hiện có hơn 70 ao cua giống, lợi nhuận trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Theo nhiều nông dân theo nghề ươm, gièo cua giống, ao nuôi cua giống tí hon được thiết kế với chiều ngang khoảng 2m, dài 4m.
Cua giống có 3 kích cỡ chính là cua tiêu (hạt tiêu), dưa (hạt dưa), me (hạt me), với giá từ 300-500 đồng/con, tùy vào thời điểm. Trong đó, hai cỡ cua tiêu và dưa thường được khách hàng ưa chuộng hơn.
Theo Hội Nông dân huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) ương, gièo, nuôi cua giống là mô hình sản xuất có hiệu quả tại địa phương. Trong tương lai, Hội nông dân huyện Năm Căn sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện xây dựng thương hiệu cua giống có chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.
Theo Chúc Ly/danviet.vn
https://danviet.vn/ca-mau-ca-lang-kha-gia-nha-nao-cung-an-nen-lam-ra-nho-nuoi-thu-cua-giong-ti-hon-20200904231910615.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã