Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc có ngành chăn nuôi phát triển với đầy đủ đối tượng vật nuôi từ gia súc đến gia cầm số lượng lớn. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, tính đến tháng 6/2021, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 681,1 nghìn con, đứng 3 so với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
“Việc phát triển bền vững, Phú Thọ đã đã đi đúng hướng nhưng việc nâng cao giá trị gia tăng vẫn chưa thể hiện rõ nét vì chưa có những chuỗi chế biến sâu. Hiện nay xu thế trong khu vực đã thể hiện rõ sự hiệu quả của những chuỗi khép kín”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Đàn gia cầm đạt 15,78 triệu con, đạt 99,8% so với kế hoạch năm 2021. Đàn bò đạt 105,1 nghìn con, đạt 93,1% so với kế hoạch năm 2021. Đàn trâu đạt 56,7 nghìn con, đạt 96,3% so với kế hoạch năm 2021.
Tổng số trang trại chăn nuôi là 1.318 đơn vị, trong đó 704 trang trại chăn nuôi lợn, 478 trang trại chăn nuôi gia cầm, 100 trang trại chăn nuôi bò và 35 trang trại chăn nuôi trâu. Tỷ lệ đàn lợn chăn nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 35% tổng đàn; tổng đàn gia cầm chăn nuôi tại các trang trại đạt 25% tổng đàn.
Thời gian vừa qua, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã phát triển tương đối toàn diện, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp hàng hóa ngày càng rõ hơn.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có nhiều thuận lợi nhưng tỉnh Phú Thọ luôn đặt vấn đề sinh kế cho người dân cũng như việc đảm bảo an toàn cho môi trường tự nhiên lên hàng đầu.
Đánh giá ngành nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã được định hướng đúng nên tăng trưởng tốt trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: “Với diện tích lớn khoảng 1.500 km2, dân cư đông khoảng 1,46 triệu người nhưng trong nhiều năm qua, Phú Thọ luôn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt và một nền nông nghiệp bền vững. Tỉnh Phú Thọ có những điều kiện và thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái gắn liền với du lịch”.
6 tháng đầu năm 2021, sản xuất chăn nuôi của tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao. Dịch bệnh Covid-19 cũng đã ảnh hưởng lớn tới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn chưa hình thành được các chuỗi mà mới chỉ tiêu thụ qua thương lái.
“Thông qua quá trình ứng phó dịch bệnh, việc kiểm soát giết mổ đã lộ rõ khó khăn. Hầu hết những lò mổ trên địa bàn tỉnh đều nhỏ lẻ nên không thể kiểm soát được công tác giết mổ. Giết mổ nhỏ lẻ là nguy cơ lây lan dịch bệnh nhưng để có thể chuyển đổi ngay lập tức 27.000 cơ sở tại Phú Thọ là việc rất khó”, ông Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề.
Để khắc phục được những khó khăn cũng như có thể thực hiện chiến lược phát triển bền vững ngành chăn nuôi của Phú Thọ trong thời gian tới, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đã đưa ra một số khuyến nghị cho tỉnh.
Đầu tiên tỉnh Phú Thọ cần quy hoạch rõ ràng vùng chăn nuôi.
Thứ hai là tỉnh cần lưu ý đến việc đảm bảo mật độ chăn nuôi. Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đang cố gắng phấn đấu để đến năm 2030 không vượt ngưỡng mật độ chăn nuôi 1 đơn vị vật nuôi trên 1 ha đất nông nghiệp, mỗi đơn vị vật nuôi tương đương 500kg.
Thứ ba, việc chăn nuôi lợn và gà của tỉnh cần nhanh chóng chuyển từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang trang trại và cần kêu gọi thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp.
“Đối với lực lượng chăn nuôi nông hộ rất lớn của Phú Thọ, để có thể đảm bảo sinh kế cho người nông dân, tỉnh nên tập trung nhiều hơn đến những sản phẩm chăn nuôi đặc sản của địa phương. Đặc điểm địa hình địa lý của Phú Thọ cũng rất phù hợp với việc phát triển sản vật địa phương”, ông Tống Xuân Chinh đề xuất.
Còn theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trên cơ sở tiềm năng, dư địa, đất đai, khí hậu của địa phương, song song với những yếu tố khoa học công nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi… tỉnh Phú Thọ cần định hình lại những lợi thế trong chăn nuôi để có thể đưa vào quy hoạch phát triển.
Địa phương tập trung vào việc phát triển những sản phẩm đặc hữu như gà nhiều cựa, lợn cắp nách, lợn ỉ, lợn mán… Hiện nay phát triển chăn nuôi cần đi sâu vào chất lượng vì một xã hội khá giả sẽ yêu cầu sản phẩm chăn nuôi truy xuất được nguồn gốc và có chất lượng cao.
“Ngoài ra vấn đề khó nhất trong chăn nuôi của Phú Thọ là giải quyết giống. Hiện nay giống nhập từ nước ngoài về có giá rất cao nên tỉnh cần phải tự chủ động chọn tạo giống. Cần mạnh dạn phát triển đàn gia súc vì chúng ta không sợ thừa, không sợ ế, không sợ phải ‘giải cứu’ thịt bò, thịt trâu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Phú Thọ, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản của địa phương đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Sản phẩm ớt còn 40 tấn, bí đao gần 100.000 tấn. Đặc biệt là sản phẩm chè còn 4.800 tấn, giá xuống quá thấp. Việc tổng cước phí vận chuyển đã tăng lên 300% dẫn đến việc tiêu thụ chè chậm và còn tồn kho nhiều.
Theo Phạm Hiếu/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/chan-nuoi-phu-tho-nen-phat-trien-theo-huong-dac-huu-d295767.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã