Ngày 27/10/2020, tại Hà Nội, Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam được thành lập theo Quyết định 610/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cùng đồng lòng nghiên cứu, xây dựng và quảng bá văn hoá ẩm thực nước mắm của người Việt.
Các hoạt động của Hiệp hội sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người dùng; đồng thời bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất...
Thông qua Hiệp hội, các thành viên sẽ kế thừa và phát triển tinh hoa lâu đời của nghề sản xuất nước mắm, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy nước mắm Việt Nam được công nhận vị trí số 1 toàn cầu...
Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội cho biết: "Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của ngành. Hiệp hội hoan nghênh các tổ chức, cá nhân muốn tham gia Hiệp hội, ủng hộ tôn chỉ mục đích và tuân thủ Điều lệ của Hiệp hội. Đây chính là ngôi nhà chung, trong đó các thành viên cùng đoàn kết, hợp tác chặt chẽ để khẳng định vị thế của ngành nước mắm Việt Nam, vươn lên tầm quốc tế".
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nghề làm nước mắm ở Việt Nam được hình thành và phát triển song hành cùng nghề đánh cá và nghề làm muối, nghĩa là có cách đây khoảng 500 - 600 năm.
Hiện nay, cả nước có 783 cơ sở sản xuất nước mắm có đăng ký sản xuất kinh doanh và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm.
Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung phân bố dọc bờ biển đất nướ; số cơ sở chế biến nước mắm tham gia xuất khẩu là 35 đơn vị, chiếm 4,5% tổng số cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường.
Điều đáng mừng là nước mắm Việt Nam đã được xuất khẩu đi trên 20 thị trường (chủ yếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...), còn lại chủ yếu là chế biến tiêu thụ nội địa với 748 cơ sở.
Tổng giá trị ngành hàng nước mắm hiện nay đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng bình quân trong 10 năm qua đạt 13,25%/năm.
"Việc thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã trải qua quá trình dài, rất vất vả, nhưng nhờ sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã chính thức được thành lập theo Quyết định 610 của Bộ Nội vụ, qua đó kế thừa, phát triển và xây dựng hiện đại hoá ngành hàng nước mắm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
"Hiện nay cả nước có 783 cơ sở sản xuất nước mắm, gần 1.500 hộ dân tham gia sản xuất nước mắm, phân bố ở khắp 3 miền của đất nước. Đây chính là sản phẩm trong 3 trục sản phẩm vùng miền, tham gia Chương trình OCOP. Sau khi thành lập, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cần tập trung tháo gỡ nút thắt về công nghệ chế biến, để sản phẩm nước mắm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, đưa sản phẩm nước mắm của Việt Nam chinh phục thế giới" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Tại Đại hội, PGS.TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nước mắm có lịch sử tồn tại lâu dài, là một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người Việt. Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, nước mắm Việt Nam hoàn có thể xuất khẩu đi toàn thế giới.
"Do vậy, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giữ được văn hoá của nước mắm truyền thống, nhưng phải đổi mới công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nước mắm Việt Nam cũng như góp phần khai thác hợp lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản" - PGS.TS Trần Đáng cho biết.
Tại Đại hội, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao giấy chứng nhận thành viên VCCI cho đại diện Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành bếp ăn của thế giới, trong đó thứ gia vị không thể thiếu chính là nước mắm – một sản phẩm đặc sản, mang các giá trị truyền thống của Việt Nam. "Chúng tôi kì vọng Hiệp hội sẽ là nơi lắng nghe những góp ý từ các thành viên, từ đó chung tay cùng Chính phủ, Bộ NNPTNT, các cơ quan liên uqan sớm hoàn thành tiêu chuẩn ngành hàng nước mắm, xây dựng khuôn khổ ràng buộc, đảm bảo chất lượng và giữ uy tín của ngành hàng này" - ông Lộc nói.
Cũng theo gợi ý của ông Lộc, bên cạnh quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước, HIệp hội Nước mắm Việt Nam hoàn toàn có thể đề ra tiêu chuẩn của riêng mình, yêu cầu các thành viên thực hiện các quy tắc ứng xử để bảo vệ thương hiệu, xây dựng chất lượng sản phẩm, liên kết đầu tư sản xuất, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gồm 21 thành viên và 5 ủy viên trong Ban Kiểm tra.
Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) được bầu giữ chức Chủ Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
Thiên Hương/Danviet.vnNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã