Ðiện Biên thực hiện chương trình xây dựng NTM từ điểm xuất phát thấp, bình quân chỉ đạt 1,4 tiêu chí/xã (năm 2011). Cùng với đó, các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, phân bố dân cư không đồng đều… đã tác động không nhỏ đến hiệu quả trong quá trình tổ chức, triển khai xây dựng NTM. Tuy nhiên, với cách làm linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, cùng sự nỗ lực của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của người dân, chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Ðiều phối NTM tỉnh cho biết: Chương trình xây dựng NTM của tỉnh được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn I (2010 - 2015) khắc phục được những hạn chế, bất cập để làm “đòn bẩy” cho giai đoạn II (2016 - 2020). Rút kinh nghiệm của giai đoạn I, trong giai đoạn II các địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng các nội dung của chương trình theo hướng chuyển trọng tâm từ “lượng” sang “chất”. Nếu trước đây, xây dựng NTM chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng thì trong giai đoạn II đã chuyển sang thực hiện các nội dung tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân: Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, triển khai Chương trình OCOP.
Với các giải pháp quyết liệt, các sở, ngành và địa phương đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng NTM. Trong đó chủ động xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình thực hiện; xây dựng điểm thôn, bản NTM kiểu mẫu, hộ gia đình mẫu thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM và 17 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (từ 15 - 18 tiêu chí trở lên); có 1 xã (Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 1 đơn vị cấp huyện (TX. Mường Lay) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Số tiêu chí bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã; toàn tỉnh không còn xã dưới 5 tiêu chí. Riêng Ðề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới giai đoạn 2016 - 2020 cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Ðến nay, các huyện biên giới trong toàn tỉnh có 5 xã đạt chuẩn NTM: Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) và Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, gồm Sín Thầu (huyện Mường Nhé) và Mường Mươn (huyện Mường Chà); số tiêu chí bình quân đến hết năm 2020 đạt 13,83 tiêu chí/xã.
Xây dựng NTM trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo ước đến hết năm 2020 giảm còn 29,93%; thu nhập bình quân đạt 33,47 triệu đồng/người/năm. Ðến nay đã hình thành và xác nhận 19 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; toàn tỉnh có 24 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Ðặc biệt, nhận thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên, xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên đã tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng NTM.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh phấn đấu có 45% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 31 xã đạt chuẩn và 21 xã cơ bản đạt chuẩn); không còn xã dưới 10 tiêu chí; bình quân đạt 14 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 22% (bình quân giảm 3%/năm); thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn gấp 1,2 lần so với năm 2020. Ðối với các thôn, bản phấn đấu có 45% - 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và phấn đấu ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.
Ðể đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát với tình hình thực tế; xác định xây dựng NTM mới là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương; tránh bệnh thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Ðồng thời duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt được và bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí. Bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển trọng tâm xây dựng NTM từ chiều rộng sang chiều sâu; hỗ trợ thôn, bản ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới từng bước hoàn thành tiêu chí NTM và giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM. Có cơ chế khuyến khích ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ.
Nguồn tin: Quốc Huy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã