Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ lúa hè thu (HT) 2020 toàn tỉnh sẽ gieo sạ 284.000 ha. Đến nay, đã xuống giống được khoảng gần 100.000 ha. Các địa phương xuống giống sớm và nhiều là Giồng Riềng gần 41.000 ha, Tân Hiệp trên 20.000 ha, Giang Thành hơn 13.000 ha, Hòn Đất gần 3.000 ha, Gò Quao trên 1.000 ha…
Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, trên trà lúa HT sớm của tỉnh đang xuất hiện một số đối tượng gây hại như: rầy nâu, ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá, đạo ôn lá, bù lạch… Tuy nhiên, mật số không cao và diện tích nhiễm không đáng kể.
Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, đến nay nông dân trong huyện đã xuống giống được gần 41.000/47.000 ha lúa hè thu 2020 theo kế hoạch. Diện tích còn lại nông dân đang tập trung xuống giống, chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày nữa là dứt điểm.
“Năm nay nắng hạn, xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt nhưng nhờ chủ động các giải pháp ứng phó, huyện đã cho đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt nên diện tích xuống giống sớm được bảo vệ tốt.
Hiện trà lúa sớm đã được hơn 40 ngày, lúa đang giai đoạn đòng, trỗ. Tình hình dịch hại cũng được kiểm soát tốt nên lúa xuống giống phát triển thuận lợi. Như vậy, chỉ khoảng 1 tháng nữa là nông dân trong huyện lại có lúa thu hoạch”, ông Khải nhận định.
Điều làm nông dân khá phấn khởi trong vụ lúa HT này một số diện tích đã được DN đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân.
Ngoài ra, một số thương lái đang tìm đến những hộ gieo sạ sớm, đặt cọc thu mua lúa cho bà con, dù lúa mới đang ôm đòng ngoài đồng.
Mỗi công lúa, tiền cọc là từ 200.000 – 300.000 đồng, tùy vào loại giống gieo sạ. Trong đó, lúa IR 50404 sẽ cho thu hoạch sớm nhất, vì có thời gian sinh trưởng ngắn.
Tại Hậu Giang, đến giữa tháng 4, nông dân đã xuống giống được gần 55.000 ha lúa HT, lúa đang giai đoạn mạ đến làm đòng.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh cho biết, các địa phương đã xuống giống lúa HT nhiều là huyện Vị Thủy hơn 17.000 ha, Phụng Hiệp 13.260 ha, Châu Thành A 8.000 ha, Long Mỹ 7.000 ha.
Lúa phát triển khá tốt, với trà lúa đang làm đòng hơn 4.000 ha, đẻ nhánh 22.000 ha, còn lại là giai đoạn mạ. Một số trà lúa xuất hiện các đối tượng sinh vật gây hại như: ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, sâu cuốn lá và đạo ôn lá...
Tuy nhiên, nông dân đã kịp thời phát hiện và chủ động quản lý phòng trừ, khống chế mật số và tỷ lệ gây hại bảo vệ cây lúa.
Ông Võ Văn Dũng, GĐ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết: Vụ HT 2020 toàn huyện xuống giống trên 37.000ha, hiện nay trà lúa chủ yếu đang ở các giai đoạn: mạ, đẻ nhánh, làm đòng và trổ chín.
Đến thời điểm này diện tích liên kết tiêu thụ lúa giữa DN và nông dân trên địa bàn là 3.582 ha/7.000 ha đạt 51,17% so kế hoạch, chủ yếu tập trung các xã Mỹ Hòa, Đốc Binh Kiều, Tân Kiều, Mỹ Quí, Trường Xuân và Mỹ An.
Ngoài những DN liên kết trong cánh đồng mẫu lớn ở vụ lúa HT 2020, bên cạnh đó thương lái lúa cũng đứng ra chủ động nguồn nguyên liệu để thu mua trong dân thì phải hợp đồng bằng cách cọc tiền trước với nông dân khi lúa còn xanh trên đồng. Nhưng với giá thỏa thuận từ thương lái thu mua luôn cao hơn từ 100 – 200 đồng/kg so với giá thị trường hiện tại.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười, tính đến nay toàn huyện có khoảng 35-40% nông dân nhận tiền cọc trước của thương lái, còn khoảng hơn nửa tháng nữa lúa HT trên địa bàn sẽ có lúa thu hoạch, nhưng rộ nhất vào cuối tháng 5/2020.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV cho biết: Vụ HT năm nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống xác nhận trong sản xuất. Ưu tiên sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, mặn, năng suất ổn định, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu về thị trường tiêu thụ lúa gạo.
Theo đó, cơ cấu giống cho sản xuất lúa vụ HT 2019 được đề xuất như sau: Giống chủ lực gồm: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18, OM 4900, OM 6976, nhóm ST. Trong đó, vùng khó khăn nên ưu tiên sử dụng nhóm giống: OM 5451, OM 6976, OM 4900, OM 576, OM 7347 và các giống lúa thơm nhóm ST.
Riêng đối với vùng ngọt nông dân nên sử dụng các giống như: OM 5451, OM 7347, OM 4900, M 6976, OM 380, OM 18, Đài Thơm 8; các giống lúa chống chịu phèn – mặn trung bình, khá gồm: OM 6976, OM 4900, OM 5451, Đài thơm 8, OM 18, OM 6162, OM 7347, OM 9915, OM 9577; nhóm giống lúa thơm - đặc sản như: Các giống lúa nhóm ST, Đài Thơm 8, OM 4900, OM 7347, OM 9915 và các giống lúa triển vọng đề nghị bổ sung: OM 18, OM 380, ST 25.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Sóc Trăng lưu ý các đợt di trú của rầy nâu trong thời gian tới: Tháng 4, rầy nâu di trú từ 15-25/4/2020 (ÂL 23/3 đến 3/4). Tháng 5, rầy nâu di trú từ 10 - 20/05/2020 (ÂL 18/4 đến 28/4) và tháng 6, rầy nâu di trú từ 15/6 - 25/6/2020 (ÂL 24/4 Nhuần đến 5/5) để đảm bảo vụ lúa HT thắng lợi.
Hiện lúa IR50404 được nhiều thương lái đặt cọc với giá 4.800-4.900 đồng/kg. Lúa hạt dài như OM 5451, OM 4218, OM 380 có giá 4.900-5.000 đồng/kg.
Theo bà con nông dân mức giá này đang cao hơn khoảng 400-600 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, cuối vụ lúa cho năng suất từ 850kg đến 1 tấn/công sau khi trừ hết chi phí có thể lãi từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/công.
Ông Lê Văn So, nông dân xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết: Vụ lúa ĐX vừa rồi gia đình canh tác 2,5ha lúa cho năng suất trên 1 tấn/công bán giá khá cao lãi trên 3,3 triệu đồng/công, bước sang vụ HT gia đình tiếp tục sản xuất giống lúa OM 5451.
Hiện nay trà lúa HT được 2 tháng tuổi, lúa trên đồng xanh tốt trong giai đoạn làm đòng, lúa ít sâu bệnh so với vụ HT năm rồi.
Theo ông So, cái mừng nhất hiện nay lúa còn xanh trên đồng đã có thương lái lúa đến tận nhà đặt cọc tiền trước 300.000 đồng/công. Nhờ vậy gia đình có số tiền trước trong tay yên tâm đến cửa hàng VTNN mua phân bón và thuốc dưỡng để phun, bón cho lúa ở giai đoạn trổ và rước hạt tốt hơn.
Anh Trần Tuấn Kiệt, thương lái lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết: Sau nhiều tháng đi quanh các tỉnh ĐBSCL để thu hoạch lúa ĐX đem bán cho DN, giờ ĐBSCL đã dứt vụ lúa ĐX nên không còn lúa để mua.
Vì vậy để yên tâm trong vụ lúa HT tới đây có lúa mua, tôi cùng các anh em giới “cò lúa” tại địa phương đến tận nhà dân hay HTX thực hiện ký hợp đồng hoặc cọc tiền trước vài trăm ngàn đồng/công xem như xuống mối trước để đến vụ là có lúa mua ngay, không sợ bẻ kèo.
Tuy nhiên hình thức cọc tiền trước cho nông dân ai nấy cũng thích vì nông dân có tiền trước, yên tâm sản xuất, cuối vụ nếu giá lúa có giảm thì lái lúa cũng mua giá cũ theo hợp đồng thỏa thuận trước đó.
Anh Kiệt cho biết thêm, qua khảo sát thị trường và tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân trong vụ HT khá ổn vì lúa ít sâu bệnh, cuối vụ sẽ cho năng suất cao, lúa đẹp là xay gạo bán cho DN sẽ thuận lợi hơn. Riêng vụ này anh đứng ra cọc tiền trước cho nông dân để cuối vụ bao tiêu khoảng 170ha tập trung ở huyện Cờ Đỏ và Thới Lai.
Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, tại huyện Cờ Đỏ ghi nhận tỷ lệ nông dân nhận tiền cọc chiếm gần 45% diện tích xuống giống. Tiền cọc trung bình từ 2.300.000-3.800.000 đồng/ha. Vụ lúa hè thu này TP Cần Thơ gieo sạ 74.700 ha.
Tại Hậu Giang, thương lái tìm thu mua lúa với giá cao hơn so với cùng kỳ từ 100-300 đồng/kg, đặc biệt một số giống như giống Thơm RVT đang cao hơn 900 đồng/kg, ST 24 cao hơn 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, lúa OM 5451 có giá dao động từ 5.200-5.300 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.300-5.500 đồng/kg, OM 18 từ 5.200-5.500 đồng/kg, Thơm RVT từ 6.300-6.500 đồng/kg, ST24 có giá dao động từ 7.300-7.400 đồng/kg.
Nguồn tin: Nhóm PV ĐBSCL/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã