Tuy nhiên, “công cuộc” đưa các mặt hàng nông sản lên quầy, kệ của các siêu thị lớn chưa bao giờ dễ dàng.
Sản xuất nhỏ khó vào siêu thị
Để có thể đưa hàng vào siêu thị, cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép sơ chế, thông tin sản phẩm rõ ràng. Bên cạnh đó, nhà cung cấp phải đảm bảo nguồn cung ứng liên tục, duy trì số lượng, chất lượng ổn định.
Thực tế thấy, nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu theo kinh nghiệm, bán theo thời vụ, mới chỉ quan tâm tới số lượng chứ chưa chú ý nâng cao chất lượng; nhiều sản phẩm chưa có bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch cũng như thiếu các chứng nhận về an toàn thực phẩm…
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX rau sạch Yên Mỹ (Ý Yên - Nam Định) Nguyễn Văn Bản cho biết: HTX chuyên sản xuất rau sạch với năng lực cung ứng ra thị trường khoảng vài tạ rau ăn lá, bí, mướp, đậu đỗ các loại nhưng vẫn chưa đưa sản phẩm vào được siêu thị bởi yêu cầu cao từ các nhà bán lẻ. Thêm nữa, tỷ lệ chiết khấu quá cao, cũng như phương thức thanh toán gối sóng cũng là những khó khăn. Hơn thế nữa, trong trường hợp có sự cố cung ứng hàng hóa, cơ sở sản xuất sẽ là người chịu thiệt.
Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào siêu thị và kênh bán lẻ hiện đại, hàng hóa phải trải qua quy trình kiểm tra rất khắt khe. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế sản xuất, sau đó mới quyết định ký hợp đồng.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhấn mạnh, ở thời hiện đại, nhà bán lẻ không nhận hàng từ người sản xuất một cách thụ động kiểu “đưa gì nhận nấy” mà họ có yêu cầu cụ thể, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì không thể vào quầy của nhà bán lẻ.
Đại diện Công ty TNHH AEON Việt Nam chia sẻ: “Số lượng nông sản cần phải đảm bảo liên tục chứ không phải bị đứt đoạn vì lý do mất mùa hay tiêu thụ khó khăn nên người dân không sản xuất”.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí logistics vận chuyển nông sản quá cao, ảnh hưởng đến việc đưa hàng đến các địa phương trong cả nước, hậu quả của vấn đề này làm hạn chế khả năng tiếp cận nông sản sạch của người tiêu dùng.
Khơi thông nhiều kênh tiêu thụ nông sản
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hoạt động hỗ trợ nông sản tiêu thụ trong cách kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên kênh thương mại điện tử, bán hàng online không chỉ tháo gỡ ách tắc, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà còn quảng bá cho thương hiệu nông sản Việt Nam. Đây chính là kênh khơi thông dòng tiêu thụ nông sản đến đông đảo người tiêu dùng, giúp ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ, hỗ trợ người sản xuất bớt khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 53.000 tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành phố với giá trị đạt 680 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart cho biết, từ ngày 29/5, hơn 50 tấn trái vải tươi của Bắc Giang và Hải Dương đã bắt đầu được đưa lên kệ hàng của hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực phía Bắc để tiêu thụ. Trong vụ vải năm 2021, hệ thống siêu thị Co.op Mart đặt mục tiêu tiêu thụ 400 tấn vải và sẽ vượt 500 tấn nếu dịch bệnh được kiểm soát khả quan.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết, nhằm hỗ trợ người nông dân trồng vải thiều tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương, doanh nghiệp triển khai hàng loạt chương trình kích cầu tiêu thụ vải thiều. Đối với sản phẩm xoài, nhãn Sơn La, phía Big C và GO! đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên trang điện tử và các kênh trực tuyến như Zalo hay App bán hàng. Doanh nghiệp sẽ yêu cầu đội ngũ thu mua làm việc với nhà cung cấp về quy cách đóng gói để thuận lợi hơn trong việc bán hàng trực tuyến và duy trì tăng trưởng doanh thu bán hàng trái cây của Sơn La trong thời gian tới.
Xây dựng mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa
Đưa nông sản vào siêu thị đang là xu thế hiện nay, để làm được điều này, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ để xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán ra thị trường mà còn để nâng cao sức mạnh của nhà sản xuất.
Do vậy, các địa phương cần chủ động, có giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi. Bên cạnh đó, nhà sản xuất mặt hàng nông sản cần phải đầu tư mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị cho sản phẩm, không chỉ giúp trái cây Việt giữ vững được thị trường trong nước mà còn tạo nền tảng để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, trước tiên, cần thành lập các nhóm hộ, hợp tác xã, lên kế hoạch tổ chức bài bản theo quy trình VietGAP, hữu cơ, cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đáp ứng quy mô, đơn hàng lớn. “Khi nông dân sản xuất an toàn, có sự liên kết nhóm, khâu tiêu thụ nông sản chắc chắn sẽ thuận lợi hơn”.
Để chuyên nghiệp hóa hơn nữa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tới đây, vùng nguyên liệu, kể cả phục vụ trong nước, cũng phải có mã số vùng trồng. Chúng tôi sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu. Bộ đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích dự kiến khoảng 26.000ha.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam , Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng đề án trung tâm cung ứng nông sản trên cơ sở học hỏi mô hình chợ đầu mối của Pháp. Chức năng của các trung tâm này không chỉ dừng lại ở cung ứng nông sản mà còn có thể kiểm định, bảo quản nông sản.
“Trước mắt, Bộ có kế hoạch xây dựng thí điểm ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Phát triển hệ thống kho lạnh là cần thiết nhưng không nên vội vàng đầu tư ồ ạt mà nên tính toán đến hiệu quả sử dụng hàng hóa suốt một năm chứ không chỉ theo mùa vụ”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Thanh Xuân/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/de-nong-san-rong-duong-vao-sieu-thi-post43425.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã