Đây là tiền đề vững chắc để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với đô thị sinh thái trong giai đoạn mới.
Khởi sắc từ NTM
Thanh Oai nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội. Đây là vùng đất cổ, có bề dày văn hóa, lịch sử và nền sản xuất lúa nước phát triển từ rất lâu. Trải qua thời gian, người dân nơi đây đã phát huy tiềm năng sẵn có, biến vùng đất này trở thành vựa lúa, rau, hoa, cây ăn quả nổi tiếng khắp miền Bắc với các thương hiệu: Cam Canh Kim An, gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu… Đó là những lợi thế của địa phương. Bởi vậy, trong xây dựng NTM, ngoài sự quan tâm của TP. Hà Nội, huyện xác định phát huy nội lực là chính. Thực tiễn cho thấy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, huyện luôn gắn với các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của huyện, đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Cùng với đó, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016-2020, đã huy động hơn 2.973 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với vốn huy động giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý, huyện và các xã đã chủ động khai thác nguồn thu tại chỗ và huy động nguồn xã hội hóa. Từ sự đồng thuận cao, nhiều tập thể, cá nhân đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi. Nhờ vậy, đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% trạm y tế, nhà văn hóa giữ vững đạt chuẩn; 57/74 trường đạt chuẩn quốc gia; đường trục phía Nam được đưa vào khai thác sử dụng; nhiều tuyến đường trục huyết mạch được thành phố quan tâm đầu tư như Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài, quảng trường công viên cây xanh và các đoạn còn lại, xây dựng, mở rộng đường trục kinh tế huyện Thanh Oai…, góp phần kết nối giao thông, liên kết vùng và phát triển kinh tế của địa phương.
Từ sự quan tâm đầu tư, kinh tế - xã hội của Thanh Oai có nhiều khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất tập trung và triển khai thực hiện một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong phát triển văn hóa, xã hội, toàn huyện có 86% làng và 90% cơ quan, đơn vị văn hóa; 90% số hộ gia đình văn hóa, có 2 làng văn hóa sức khỏe; 4 làng, tổ dân phố văn hoá kiểu mẫu; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,37%. Huyện đã làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt phòng, chống đại dịch Covid-19...
Với những kết quả đạt được, Thanh Oai đã có 20/20 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Mới đây, Thanh Oai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.
Hướng đến đô thị sinh thái
Phát huy kết quả đạt được, năm 2021 và những năm tiếp theo, Thanh Oai tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong đó, huyện tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành quận sau năm 2025. Để những định hướng, mục tiêu trở thành hiện thực, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân huyện đoàn kết, thống nhất với quyết tâm khát vọng đổi mới, vươn lên để trở thành đô thị sinh thái của Thủ đô.
Theo định hướng này, song song duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất, tiêu chí môi trường, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM, huyện tập trung cao độ cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên nền tảng sẵn có. Huyện cũng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tăng năng suất và thu nhập cho người dân; tập trung phát triển các làng nghề truyền thống có giá trị kinh tế cao, có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của thành phố; phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ; tập trung giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp để sớm đi vào hoạt động, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân, xây dựng chợ đầu mối nông sản và mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn…
Bên cạnh cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, bền vững..., để tạo bước đệm hướng đến đô thị sinh thái, vừa phát huy truyền thống, vừa hiện đại, huyện sẽ mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hợp lý, có quy mô phù hợp tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Đồng thời lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh. Thu hút du lịch và trở thành một điểm đến ấn tượng của Thủ đô trong hành trình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân cũng như củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện trở thành quận sau năm 2025.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mới
Ông Bùi Văn Sáng cho biết, với khát vọng đổi mới phương pháp tiếp cận, cách làm mới, cùng với sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, huyện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu năm 2021:
Thu ngân sách đạt 1038,5 tỷ đồng (chỉ tiêu pháp lệnh thành phố giao là 538,5 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng đạt 12,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3% theo chuẩn mới.
Tập trung giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp và giao đất cho nhà đầu tư xây dựng để sớm đưa vào hoạt động nhằm tạo động lực sức bật mới cho phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương, tạo nguồn thu bền vững, ổn định cho ngân sách. Đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tăng năng suất thu nhâp cho người lao động. Triển khai, khai thác tốt các nguồn thu trong đó trước mắt tập trung khai thác các nguồn thu từ đất.
Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, đồng thời thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; tổ chức thi công đường trục kinh tế huyện, mở rộng đường đôi QL21B đoạn từ Bình Đà đi Kim Bài và từ Kim Bài đi ngã tư Vác…, tạo sự đồng bộ kết nối giao thông, liên kết vùng được tốt hơn, đồng thời thúc đẩy động lực và là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội hướng đến sự hài lòng của người dân.
Mặc dù đã về đích huyện NTM, Thanh Oai vẫn xác định tinh thần “không có điểm dừng” trong xây dựng NTM. Những năm tới, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, tuy nhiên, với tinh thần chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, Thanh Oai sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao vào năm 2025 với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, làm cho diện mạo quê hương ngày càng khang trang, đổi mới.
Theo Minh Tâm/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/thanh-oai-huong-den-do-thi-sinh-thai-cua-thu-do-post43419.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã