Làng nghề Đa Sỹ nhìn từ trên cao. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ cho biết, Đa sỹ là một làng cổ, một làng khoa bảng thuộc quận Hà Đông, có nghề rèn truyền thống, hình thành từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, do hai cụ Nguyễn Thuần, Nguyễn Thuật người gốc Thanh Hóa truyền dạy cho người dân trong làng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làng nghề rèn Đa Sỹ không ngừng phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Những sản phẩm như: Búa, tràng, bào, đục, lưỡi cưa, mai, cuốc, thuổng, dao kéo các loại của làng nghề tỏa đi khắp mọi miền, đến các nông trường, trạm trại, công ty, xí nghiệp tham gia vào quá trình tái thiết đất nước, phục vụ sản xuất đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nhờ có làng nghề mà đời sống nhân dân làng Đa Sỹ luôn ổn định, nhiều gia đình có kinh tế khá giả, xây dựng nhà cửa kiên cố, có điều kiện nuôi dạy con em phát triển và trưởng thành.
Hiện nay làng nghề có 1.163 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 450 đến 500 tấn hàng, doanh thu mỗi năm đạt trên 200 tỷ đồng. Hoạt động nghề rèn còn tạo thêm nhiều dịch vụ đi liền và việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương, thu nhập bình quân của một lao động từ 7.000.000 đồng – 10.000.000 đồng/tháng.
Qua nhiều thăng trầm, người dân vẫn bám trụ với nghề. Ảnh: Thiện Tâm. |
Ông Nguyễn Trọng Tính, người dân làng Đa Sỹ cho biết, gia đình ông có truyền thống làm nghề rèn từ bao đời nay. Bản thân ông được tiếp xúc với nghề rèn từ nhỏ nên ông rất am hiểu. Để tạo ra được một sản phẩm có chất lượng tốt rất công phu, khâu quan trọng, đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Đầu tiên, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Tùy vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa.
Nhờ có nghề nên đã giúp gia đình ông Tính có thu nhập và công ăn việc làm, nuôi nấng con cái ổn định. Đối với ông và nhiều hộ khác trong làng, nghề rèn không chỉ đơn thuần là một nghề mà đó còn là nét văn hóa, là máu thịt của người dân nơi đây. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng nghề cũng bị ảnh hưởng, so với nhiều làng nghề khác, nhất là trong cơ chế thị trường nhiều cạnh tranh như hiện nay, làng nghề Đa Sỹ cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Hoàng Quốc Chính, trong những năm 1990 đến năm 2010 nghề rèn Đa Sỹ có những bước phát triển mạnh mẽ. Số hộ sản xuất tăng nhanh, mẫu mã sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định, thu nhập của từng hộ sản xuất không ngừng tăng cao. Nhưng từ năm 2011 đến nay tốc độ phát triển chững lại và giảm dần; làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Có rất nhiều nguyên nhân tác động làm cho hoạt động của làng nghề gặp khó khăn do sự ra đời của các loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất đồ mộc gia dụng, các sản phẩm chủ lực, nổi tiếng của làng nghề như tràng, bào, đục không còn chỗ đứng trên thị trường.
Bên cạnh đó nhiều mặt hàng dao, kéo mạ trắng, chất lượng cao của một số nước như: Thái lan, Trung quốc, Nhật Bản dần chiếm lĩnh thị trường nội địa, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm trong nước, đặc biệt tại các Thành phố, khu đô thị, nơi dân cư có thu nhập cao chủ yếu sử dụng sản phẩm nước ngoài.
Trước thực trạng đo, hoạt động của làng nghề Đa Sỹ có nguy cơ bị mai một, thất truyền nghề rèn truyền thống do quá trình đô thị hóa với tốc độ quá nhanh. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, sức hấp dẫn của sản phẩm, sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại ở trong còn nhiều hạn chế.
Dù nắng hay mưa, mỗi ngày làng nghề Đa Sỹ đều đỏ lửa. Ảnh: Thiện Tâm. |
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển đang hướng vào hàng thủ công truyền thống, bởi nó có độ tinh xảo và mang đậm bản sắc dân tộc, có sức hấp dẫn cao. Mặt khác, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thị trường nước ngoài đã được mở rộng, sản phẩm hàng thủ công truyền thống của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm của làng nghề Đa Sỹ mới chỉ có mặt ở thị trường Lào, Campuchia, chưa vươn ra được các nước khác trên thế giới. Đó là bài toán đặt ra, cần nâng cao công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm để xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Hà Nội có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đa dạng, đặc biệt có nền văn hoá lâu đời với 1.000 năm Thăng Long lịch sử, có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã tạo ra nhiều địa điểm du lịch để Hà Nội trở nên hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi để Đa Sỹ phát triển du lịch, giới thiệu làng nghề cổ truyền cho khách du lịch nước ngoài biết.
Ngoài những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa dân tộc đặc sắc, làng nghề truyền thống Đa Sỹ có sức hút đặc biệt đối với du khách bởi nơi đây là một vùng văn hóa lịch sử. Đến với làng nghề Đa Sỹ du khách không chỉ được ngắm cảnh quan mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp được tiếp xúc với những người thợ thủ công, thậm chí còn được trực tiếp tham gia làm ra sản phẩm.
Việc phát triển làng nghề kết hợp với du lịch góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Hơn nữa phát triển làng nghề còn giúp cho ngành du lịch quảng bá được hình ảnh của Đa Sỹ ra nước ngoài thông qua các sản phẩm của các làng nghề truyền thống.
Theo ông Chính, với những sản phẩm hiện nay của làng nghề Đa Sỹ, các loại dao, kéo tuy giá thành rẻ, có độ sắc, cứng nhưng không hấp dẫn khách hàng, nhất là ở các thành phố lớn, bởi các sản phẩm dao, kéo của Thái Lan, Trung Quốc được sản xuất bằng thép không rỉ, chất lượng cao, ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng. Vì vậy, không còn cách nào khác, làng nghề Đa Sỹ cần phải phát triển theo xu hướng đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.
Phát triển làng nghề Đa Sỹ gắn với lợi ích, đời sống thiết thực của nhân dân. Trong quá trình sản xuất, cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, máy móc hiện đại được đưa vào sử dụng góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao trình độ sản xuất và năng suất lao động. Nhằm nhanh chóng nâng cao đời sống của nhân dân, giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Việc sản xuất phải gắn liền với việc giữ gìn thương hiệu sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hoá của địa phương. Lịch sử phát triển kinh tế cũng như lịch sử của nền văn hoá Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử phát triển làng nghề.
Đặc biệt, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm nhiều việc làm mới. Làng nghề Đa Sỹ cần có những điểm dịch vụ bán sản phẩm, đồ lưu niệm cho khách. Khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống, có nơi tổ chức thao diễn các công đoạn làm ra sản phẩm, giới thiệu về vẻ độc đáo của sản phẩm, hướng dẫn du khách tham quan nơi thờ tổ lµng nghề, nhằm xây dựng môi trường du lịch văn hoá, làm được như vậy thì du lịch làng nghề mới trở thành một tour du lịch hấp dẫn.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/giu-lua-tram-nam-lang-ren-da-sy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã