Diện mạo nông thôn mới xã Gia Hưng (Gia Viễn). Ảnh: Tiến Đạt
Trở lại xã Gia Hưng (Gia Viễn) vào những ngày đầu năm 2021, chúng tôi cảm nhận được diện mạo của một vùng quê nông thôn mới đang căng tràn sức sống, đường làng ngõ xóm được đổ bê tông phẳng lì nối liền với nhau, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày một phát triển với đa dạng các loại hình.
Đồng chí Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết: Trước đây Gia Hưng là một xã thuần nông, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là mỗi khi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng ngập lụt gây thiệt hại về mùa màng. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho xã một luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Từ kết quả xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng nông thôn như điện, đường giao thông nông thôn, nội đồng, trường học, trạm y tế… được đầu tư kiên cố, giao thông đi lại thuận tiện, cuộc sống người dân nơi đây nhờ đó ngày càng ổn định. Đến nay, xã đã có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, 13/13 thôn có nhà văn hóa. 100% hộ có phương tiện nghe nhìn; 85% hộ sử dụng phương tiện kết nối Internet, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,78% (không tính đối tượng nghèo bảo trợ). Năm 2016, xã Gia Hưng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Rời Gia Hưng, chúng tôi về xã Khánh Thành, một xã vùng xa của huyện Yên Khánh nhưng lại có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường trải nhựa phẳng lỳ, hai bên đường là những đường hoa rực rỡ sắc màu, đường làng ngõ xóm sạch sẽ.
Năm 2013, Khánh Thành là 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền luôn xác định đây mới chỉ là bước đầu, là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, đặt mục tiêu phải duy trì tốt các tiêu chí đã đạt được; củng cố, phát huy và tiếp tục giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu nâng cao thu nhập cho người dân bằng các chương trình hành động cụ thể.
Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ để tạo dựng cơ sở vật chất khang trang mà quan trọng hơn là đời sống người dân phải được nâng lên. Xã đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây nông sản. Xã đã mạnh dạn đưa giống ổi Đài Loan vào trồng thay thế cho những diện tích đất vườn, đất xen kẹt, cấy lúa kém hiệu quả. Đặc điểm của giống ổi này là có thể thu hoạch quanh năm và có vị thơm, ngọt đậm. Giờ đây cây ổi đã trở thành cây trồng có thể đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân, nhiều hộ có thu nhập cao nhờ trồng ổi.
Bên cạnh đó, xã còn đẩy mạnh liên doanh, liên kết, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, làm thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất trên một ha canh tác đạt 151 triệu đồng (tăng 21 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015). Xã đã thành lập HTX sản xuất rau sạch Khánh Thành chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống siêu thị cũng như các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận cho hiệu quả kinh tế cao.
Đời sống người dân từng bước nâng cao, bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt trên 50 triệu đồng/người. Với những kết quả đạt được, tháng 6 vừa qua xã Khánh Thành đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành miền quê đáng sống.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta luôn thực hiện nhất quán phương châm "Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng nông thôn mới", "Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nên chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả đáng mừng, diện mạo ở nhiều vùng quê được thay da đổi thịt, khang trang, sạch đẹp hơn, đời sống người dân từng bước được nâng lên.
Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, toàn tỉnh có 7 xã được thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt kế hoạch 1 xã, vượt 20%) xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn tỉnh lên 9 xã.
Trong năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 21.177 tấn xi măng, làm được 729 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 142 km. Toàn tỉnh huy động được 8.800 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách chiếm 14%, vốn tín dụng chiếm 75%, vốn cộng đồng dân cư chiếm 10%, vốn doanh nghiệp chiếm 1%.
Cũng chính nhờ thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới mà đời sống người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2%.
Theo ninhbinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã