Anh Nguyễn Tấn Phương, 37 tuổi, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) sáng tạo ra cách trồng rau sạch, hữu cơ, kết hợp với công nghệ bán hàng thông minh trên app điện thoại của khách hàng một cách hết sức độc đáo.
Anh Phương cho biết, anh vốn học ngành Công nghệ thông tin (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Sau khi ra trường vào năm 2007, chàng trai trẻ đã nhanh chóng tìm cho mình được một công việc theo đúng chuyên ngành của mình với mức lương ổn định.
Trong quá trình công tác, anh thường xuyên thiết kế các chương trình công nghệ cho các trang trại và doanh nghiệp chuyên về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thường xuyên tiếp cận với những phương pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiện đại nên niềm đam mê với nông nghiệp đã dần ngấm vào anh Phương.
Đến năm 2014, anh bắt đầu có ý định sẽ trở về quê để xây dựng cho riêng mình một mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và có tính đặc thù. Kể từ thời gian đó đến năm 2016, anh đã đi rất nhiều nơi, gặp nhiều chuyên gia về nông nghiệp để tìm hiểu và nắm bắt những kỹ thuật từ cơ bản nhất. Từ đó đúc kết những cái hay nhằm áp dụng cho mô hình của mình sau này.
Cũng theo anh Phương, TP Hồ Chí Minh là nơi rất phát triển, có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao và mang lại hiệu quả, đặc biệt là các mô hình làm nông nghiệp của tập đoàn Vingroup. Do đó, rất thuận lợi cho việc tiếp cận và học hỏi của bản thân anh. Qua 3 năm nghiên cứu, anh nhận ra rằng, các mô hình trên lý thuyết và thực nghiệm không phải lúc nào cũng giống nhau.
Trên lý thuyết, đa phần chỉ được thực hiện triển khai trên một diện tích nhỏ để đánh giá. Dù kết quả đạt được rất tốt nhưng khi mở rộng mô hình ra lại không được như mong muốn.
"Những người thầy, chuyên gia mà tôi tìm đến học hỏi đều là những người vừa có kiến thức, vừa làm thực tế tại các mô hình lớn nên biết được các điểm yếu của mô hình lớn như thế nào, từ đó đưa ra những biện pháp để khắc phục”, anh Phương chia sẻ.
Khi đã trang bị cho mình được một lượng kiến thức tương đối về nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017, anh Phương quyết định trở về quê hương Đà Nẵng để thuê đất và đầu tư xây dựng trang trại. Bởi theo anh, so với TP Hồ Chí Minh thì đất đai ở Đà Nẵng rẻ hơn và có cơ chế hỗ trợ nông nghiệp nhiều hơn.
Anh Phương đã chọn diện tích 3 ha đất nông nghiệp tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), đồng thời bỏ ra gần 8 tỷ đồng đầu tư, xây dựng trang trại với tên gọi Afarm - Farm on Smartphone.
Năm 2018, trang trại của anh Phương bắt đầu đi vào hoạt động với hệ thống nhà màng rộng khoảng 4.000 m2, nhà điều hành, khu sơ chế… Trang trại Afarm - Farm on Smartphone trồng rau theo 2 mô hình là thủy canh và hữu cơ với hơn 40 loại rau, quả các loại. Các sản phẩm rau quả được anh Phương nhập từ nguồn chủ yếu là Israel, Mỹ và cả Việt Nam.
Anh Phương cho biết, tùy từng loại rau, quả để áp dụng phương pháp trồng khác nhau, như các loại rau thuộc họ cải, xà lách hoặc dưa lưới sẽ được trồng thủy canh, còn các loại rau gia vị sẽ trồng hữu cơ để giữ nguyên được mùi vị.
Dù trồng theo phương pháp nào thì cũng được kiểm soát qua nhiều quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo đạt chuẩn GlobalGAP, không được sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào, không sử dụng giống biến đổi gen, tuyệt đối không dính tồn dư nitrat và kim loại nặng.
Trên cơ sở kiến thức về công nghệ thông tin của mình, trong thời gian xây dựng trang trại, anh phương cũng đã tự viết ra một phần mềm ứng dụng cài trên điện thoại thông minh để phục vụ cho khách hàng có nhu cầu sử dụng rau sạch. Phần mềm này có tên app là Afarm.
Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần tải app này về điện thoại, sau đó đăng ký tên, địa chỉ, email, số điện thoại là có thể sử dụng. Những thao tác trên app Afarm cũng rất đơn giản. Khi đăng nhập vào app sẽ hiện ra hàng chục loại rau, củ quả để người dùng lựa chọn. Khi click vào mỗi loại rau quả, sẽ hiện ra thông tin như tên gọi, rau cung cấp các vitamin gì, lợi ích gì đối với cơ thể…
Khách hàng chọn loại rau nào sẽ kéo vào các giàn rau của mình trên hệ thống. Cứ một người dùng sẽ được thiết kế 3 giàn với 6 loại rau quả khác nhau. Khi chọn được các sản phẩm, hệ thống sẽ báo về cho bộ phận kỹ thuật của trang trại để ngày hôm sau tiến hành gieo trồng.
Kể từ thời điểm đó, mỗi ngày khách hàng có thể đăng nhập vào app để kiểm tra xem giàn rau của mình đã phát triển như thế nào, được bao nhiêu ngày tuổi, tình hình nhiệt độ, đổ ẩm, nồng độ dinh dưỡng... ra sao.
"Không những thế, hệ thống còn có thông báo nhắc nhở người dùng là khách hàng tưới rau. Như vậy, khách hàng có cảm giác như đang tự chăm sóc vườn rau của mình vậy”, anh Phương cho biết.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, ở thị trường TP Đà Nẵng đã có khoảng hơn 200 user (người sử dụng app Afarm). Đây là những khách hàng trung thành với trang trại và đóng tiền theo tháng với mức giá 1 triệu đồng/tháng.
Cứ 5 ngày, trang trại sẽ giao rau tận nơi cho các gia đình. Ngoài các loại rau trong giàn của mình, khách hàng còn được tặng kèm các loại rau, củ quả khác để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
“Do thói quen của người Đà Nẵng hiện chủ yếu vẫn thường hay mua rau, củ, quả ở chợ hoặc siêu thị nên nhìn chung thì thị trường cho rau sạch của trang trại ở đây vẫn còn phát triển chậm. Hiện nay, mỗi năm chúng tôi chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 43 tấn rau quả các loại", anh Phương cho biết.
Trong thời gian tới đây, trang trại của anh Phương đã có kế hoạch sẽ mở rộng quy mô ra toàn bộ diện tích 3 ha và trồng thử nghiệm thêm các loại giống rau mới để hướng tới thị trường tiềm năng ở TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, anh Phương sẽ đẩy mạnh maketing, quảng cáo tại thị trường đông dân này.
Với nhu cầu sử dụng rau sạch ở TP Hồ Chí Minh, anh húng tin rằng, mô hình trồng rau sạch này sẽ mang lại hiệu quả khả quan.
Theo Lê Khánh - Đăng Lâm/nongnghiep.vn
https://nongsanviet.nongnghiep.vn/doc-dao-ban-rau-sach-tu-luc-chua-trong-d293177.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã