Cơ sở giết mổ công nghiệp tại Thường Tín. Ảnh: Thiện Tâm. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với những cơ chế, chính sách phù hợp, những năm qua chăn nuôi của Thủ đô đã có bước chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2020, tăng trưởng ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 4,2 %, trong đó có đóng góp lớn của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia cầm. Về số lượng đàn gia súc, gia cầm luôn đứng tốp đầu cả nước, đàn gia cầm hiện tại khoảng 38 triệu con, đàn lợn 1,57 triệu con, đàn trâu bò 164 ngàn con. Đặc biệt về chất lượng đàn gia súc, gia cầm được cải tiến rất mạnh về chất lượng thông qua chỉ số về chuyên môn. Đàn bò sữa tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 100 %, bò thịt đạt trên 80 %, đã đưa tinh phân ly giới tính vào sản xuát từ nhiều năm trở lại đây. Một số giống bò chất lượng cao đã được đưa vào thực tế mang lại lợi ích kinh tế cao cho người chăn nuôi (bò BBB, Wezu, Anger, Brahman, Drogmaster ...). Việc xây dựng liên kết chuỗi đã và đang được phát triển gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm để đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và tiến tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển chăn nuôi gắn với các cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ tiên tiến, hiện đại còn nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế. Đặc biệt, việc xây dựng chế biến sâu các sản phẩm động vật cao cấp vừa sử dụng trong nước vừa tiến tới xuất khẩu còn quá nhiều hạn chế chưa tương xứng với tốc độ phát triển của thị trường trong và ngoài nước. Theo ông Sơn, bất cập ở chỗ trên địa bàn thành phố hiện có tới 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm và các loại động vật khác. Về phương thức giết mổ, mới có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, các cơ sở giết mổ hiện cũng đang gặp không ít khó khăn, chưa đạt công suất hoặc mới đạt từ 20 – 50 % công suất. Bên cạnh đó, có 58 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, số còn lại là giết mổ thủ công, nhỏ lẻ có tới 673 cơ sở.
Công tác quản lý giết mổ cũng còn gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thường rất đa dạng, đa số không có địa điểm cố định thường nằm rải rác ở hầu hết các chợ, các khu dân cư của các huyện, thị xã. Hiện tại chỉ riêng huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo được các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đa số các điểm, hộ giết đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y vào kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mấy an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, để phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hà Nội đang tập trung xây dựng kế hoạch trong thời gian tới với mục tiêu phấn đấu giảm dưới 40% tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư. Hiện nay, thành phố đã hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm, các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp 4,2%. Đồng thời, thực hiện di dời trên 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi trong năm 2021 và hoàn thành di dời 100% chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi trước năm 2023.
Hình thành thêm 3 khu giết mổ gia súc bán công nghiệp theo quy hoạch gắn với chế biến, theo chuỗi liên kết giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giảm 40% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Phấn đấu có gần 80% sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được kiểm soát trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ tập trung phát triển đàn bò khoảng 135 nghìn con. Tập trung phát triển tại một số huyện trọng điểm như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức. Phát triển đàn đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ. Tập trung phát triển đàn lợn tại khu chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi trọng điểm ngoài khu dân cư đã được phê duyệt như: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ… Giữ ổn định đàn gia cầm khoảng 40 triệu con.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động và thực hiện dừng chăn nuôi hoặc di dời các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực không được phép chăn nuôi (nhất là tại tất cả các quận). Không đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất giết mổ đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các huyện chuẩn bị lên quận theo quy hoạch của Thành phố từ nay đến năm 2025. Tập trung xây đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung tại các vùng chăn nuôi trọng điểm.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-chan-nuoi-gan-voi-xay-dung-co-so-giet-mo-tap-trung-hien-dai
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã