Theo các chuyên gia, dù có tiềm năng nhưng xuất khẩu nông sản sang thị trường này không đơn giản, doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA để nâng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu tăng 18%
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Con số này tiếp tục tăng khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực sau khi hiệp định này được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU.
Cụ thể, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng khá tốt những ưu đãi từ EVFTA để tăng xuất khẩu. Chỉ trong nửa đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song xuất khẩu gạo sang EU đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,73% so với cùng kỳ.
Bộ Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD, tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,73%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm 70,5 triệu USD, tăng 33,75%; rau quả 63,8 triệu USD, tăng 12,5%...
Đánh giá riêng về lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Bộ Công Thương và VCCI thừa nhận, ngành này được hưởng lợi lớn từ việc EU ngay lập tức xóa bỏ 100% thuế đối với trái cây tươi, trái cây chế biến, nước trái cây...
Đơn cử, giữa tháng 7 vừa qua, lô nhãn Sông Mã (Sơn La) đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Dù lô nhãn này chỉ khoảng 2,5 tấn, song đây là dịp chào hàng tốt, là động lực rất lớn để gia tăng xuất khẩu sang khối thị trường này trong năm nay.
Ông Vũ Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Công CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, đơn vị xuất khẩu nhãn Sơn La sang EU và Vương quốc Anh, cho biết, chúng tôi đánh giá cao chất lượng nhãn năm nay, quả to, cùi dày và đậm vị ngọt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thị trường Vương quốc Anh. Sau lô nhãn xuất khẩu đầu tiên này, công ty tiếp tục thu mua hơn 40 tấn nhãn quả tươi của HTX Hoa Mười (Sông Mã) để xuất khẩu…
Theo các chuyên gia, để tận dụng được lợi thế về việc EU xóa bỏ thuế nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, thực hiện quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, chế biến thành phẩm đảm bảo tiêu chuẩn cao của EU. Nghĩa là, phải nâng chất các mặt hàng cả về chất lượng, số lượng và niềm tin.
Thách thức
Bên cạnh kết quả tích cực, Bộ Công Thương đánh gia, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và thách thức trong việc thực thi EVFTA.
Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood) Võ Văn Phục cho biết, với tôm xuất khẩu vào EU, để hưởng mức thuế ưu đãi thì một trong những yêu cầu quan trọng là phải có chứng nhận vùng nuôi ASC (chứng nhận xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm đến mức thấp nhất tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động) - đây là tiêu chuẩn rất ít doanh nghiệp đạt được và nếu có thì diện tích đạt chuẩn cũng không lớn.
Bên cạnh đó, việc Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” với hải sản khai thác của Việt Nam đã gây khó khăn cho ngành hải sản trong thời gian qua, khiến nhiều lô hàng bị vướng thủ tục giấy tờ về chứng nhận đánh bắt nguyên liệu do không đáp ứng đầy đủ quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC.
Còn đối với mặt hàng nông sản, nhiều chuyên gia cảnh báo, nông sản là mặt hàng được bảo hộ tại EU, do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt nhiều biện pháp bảo hộ khi xuất khẩu sang khối này, nhất là các quy định rất cao và chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ nông sản.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc tận dụng EVFTA còn chưa được như kỳ vọng là đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên thế giới ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chuỗi phân phối bị gián đoạn, nền kinh tế toàn cầu phải chống chọi với những đợt sóng suy giảm nặng nề.
Đồng bộ giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội
Theo các chuyên gia, dù tiềm năng là có, nhưng xuất khẩu nông sản sang khu vực thị trường EU không đơn giản.
Để mặt hàng nông nghiệp ngày càng nhiều sản phẩm, số lượng ngày càng lớn và có mặt rộng khắp các quốc gia EU, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia ngành nông nghiệp, cho rằng, chúng ta cần thay đổi tư duy quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Trước tiên là việc cấp mã số vùng trồng nhằm giúp truy xuất nguồn gốc và quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cách làm này giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đây cũng là nội dung của hồ sơ hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Đây là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Việt bước chân vào các thị trường khó tính.
Đối với mặt hàng tiềm năng như thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để mở rộng thị phần tại châu Âu, cần quyết liệt hơn trong việc gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Song song với đó, cần tạo niềm tin đối với các nước châu Âu vào khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu các cam kết của EVFTA, chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh; hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, phân phối, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của EVFTA và tiêu chuẩn cao của EU.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã