Khi nghe qua “lý lịch trích ngang” tôi thoảng nghĩ: Chắc các cụ nhà này từ thuở lên vùng “thâm sơn cùng cốc” khai hoang lập nghiệp đã khéo lựa “gái hơn hai” làm dâu, những mong mai này cùng Tiến tạo dựng cơ nghiệp. Tiến giờ là một trong số những khuôn mặt đại diện trong giới trồng cam sành ở huyện Bắc Quang-một loại đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Giang.
Nghe hỏi thăm đến vườn cam nhà Tiến - Cúc, dân làng giơ tay chỉ lối. Từ quốc lộ 2 rẽ vào vài km, quanh co chút nhưng thật sự hứng thú với dải đồi ngút ngát trái cam chín vàng nổi trên nền lá xanh già cuối vụ.
Tiến sinh năm Kỷ Mùi, 1979 nhưng giờ đã đóng tròn vai ông nội. Trai lớn nhà anh sinh năm 1998 lấy được có cô vợ xinh nhất vùng, cô bé này hái cam nhanh và khéo không đối thủ, cứ mươi phút là có một sọt đầy vắt vai. Còn cậu con trai thứ năm nay 17 tuổi, lái xe chở cam lạng lách trong vườn như nhà vô địch công thức 1, nghe đâu con gái trong làng cùng trang lứa thi nhau “liếc trước, dòm sau”, chắc năm mốt, năm hai cũng “chốt hạ”.
Trở lại với câu chuyện gắn bó với nghiệp trồng cam của anh chị thì miễn bàn. Vợ chồng Tiến là không biết lùi. Cách nay khoảng ngót hai chục năm đã tay dao, tay cuốc phát nương mở rẫy, mua đất mở rộng mô hình, ban đầu là mấy sào rồi vài héc-ta (ha).
Đến nay, tổng diện tích trong tay của họ chắc nịch là 8 ha, quy ra gốc thì cỡ 4 ngàn, loại non non cũng đã hơn 6 năm tuổi…Dù biết là khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi biết, họ đã sống, đã cống hiến cho những đam mê ruộng vườn cùng với đồng bào vùng cao ngay từ khi lựa chọn canh nông để khởi nghiệp.
Các địa danh như Đào Than, Khởi Lịp, Khởi Mù, Khởi Niếng…của đất Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (quê gốc của cây cam sành bản địa) mỗi thôn gia đình Tiến Cúc có vài ha cam. Kể như đùa, những năm được mùa mỗi gốc nhiều cho 300kg/gốc, ít cũng 150kg/gốc, nhân thử mà quy ra Việt Nam đồng thì…chết liền.
Tò mò là nghiệp vụ của dân truyền thông, chúng tôi cùng lên công thức rồi nhẩm đi, tính lại, cùng thốt lên: “Ui chà, thế kia à?”. Và, con số cụ thể về bài toán kinh tế dành cho những ai chưa từng đặt chân đến nơi này phải thèm khát.
Con người thuần khiết như dòng suối chảy quanh bản làng, không phô trương mà ngược lại rất dễ gần, hiếu khách và khiêm tốn: “Cam vườn em các anh chị cứ thoải mái nếm thử, bao nhiêu cũng được, hái từ cây nào cũng được, miễn là cho em một lời chân tình - ngon hay không ngon nhé!?”.
Nói rồi Tiến và Cúc không tiếc tay cùng bóc những trái cam được chuyền trực tiếp từ trên cành, tách vỏ trao cho anh em chúng tôi: “Trời đất, khỏi cần quảng cáo, đây mới gọi là “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, cứ như quảng cáo của Chin-Su vậy!”.
Nhân lần gặp gỡ này, tôi thoáng tay đặt luôn cả tấn cam hái vườn ở đây và hẹn chở về xuôi cho những người thân yêu nhất của mình được tận hưởng. Đúng là cam hái vườn, thật là khác biệt, cỡ cam trên 10 năm tuổi ngọt thứ thiệt. Tiến bảo rằng: “Các anh xem, loại cam non ít năm tuổi bán đầy thị trường và ven đường, mã đẹp, trái to nhưng mà bở và khô bồm bộp, ăn nhạt phèo”.
Khi biết tôi là người làm truyền thông của Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cặp vợ chồng Tiến- Cúc mới chịu khai thật:” Cảm ơn anh và Lâm Thao trong lòng người dân sứ cam sành Bắc Quang - Hà Giang. Nhờ chất lượng và thương hiệu của bên anh giờ gia đình em và dân bản cứ “khép kín” (bón lót và bón thúc theo chỉ dẫn của công ty) là đương nhiên mùa vàng sẽ tới.
Tất nhiên, cũng còn phải trông vào thời tiết nữa, cuối năm nào mà nắng ấm đều, ít mưa lạnh thì bội thu. Để “siêu âm” vấn đề này tôi bước chân vào căn lán nhỏ sâu trong góc vườn của họ và thốt lên: “Ồ, phân bón lót và bón thúc “ba nhành cọ xanh” xếp chật kín…là thật!”
Chúng tôi thấy cam ngọt hơn từ tấm thịnh tình nhận được từ cặp vợ chồng này. Và, tôi hứa: Vụ “cam mót” đầu xuân chúng tôi sẽ quay trở lại. Nhiều năm sau đương nhiên cũng sẽ như thế, địa chỉ đỏ là đây chứ đâu!
Tôi chưa từng kết nghĩa với ai, nhưng có lẽ Tiến-Cúc sẽ là một ngoại lệ (nghĩ vậy và chắc là như vậy) - Họ sống thật, làm thật và trở thành người có khát vọng làm giàu chân chính trên chính vùng đất của mình đang sống.
Cam sành là loại cây ăn quả đặc sản của Hà Giang, chúng được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Hiện tổng diện tích cam sành của tỉnh này vào khoảng 6.600 ha trong đó có khoảng 5.800 ha cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 68.000 tấn. Mùa cam chín từ tháng 12 đến tháng 3 của năm sau.
Vài năm gần đây, nhiều vườn cam của tỉnh đã có biểu hiện vàng lá, lụi phần do bệnh, phần bởi không biết cách chăm sóc, bón phân cân đối. Trong bối cảnh ấy, những kinh nghiệm cùng với đam mê nghề nông của cặp vợ chồng Tiến-Cúc càng thêm trân quý!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã