Ông Huỳnh Ngọc Hoàng trồng 4 công rau diếp cá, còn bà Nguyễn Thị Thu Dung trồng 1,2ha rau xà lách xoong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Chỉ có gần 4 công đất trồng rau diếp cá, ông Tám Sẵn (Huỳnh Ngọc Hoàng, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đã thu hơn tỷ đồng mỗi năm.
Thu tiền tỷ từ rtrồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao
Hôm chúng tôi đến trang trại trồng diếp cá của ông Tám Sẵn, thấy ông và vợ lui cui thu hoạch rau. "Liên tục mấy hôm nay vợ chồng tôi phải thu hoạch rau diếp cá bán cho thương lái. Rau diếp cá đang rất hút hàng", ông Tám Sẵn thổ lộ.
Hai năm trước, ông Tám Sẵn đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tự động và dựng nhà lưới để trồng rau diếp cá.
"Trồng rau diếp cá trong nhà lưới cây phát triển cao, lá to, tươi, non hơn trồng ngoài trời. Trước khi có hệ thống tưới tự động vợ chồng tôi thay nhau tưới tay cho rau diếp cá mất rất nhiều thời gian thay vì một cái gạt cầu dao như bây giờ", ông Tám Sẵn chia sẻ.
Với hơn 20 năm kinh nghiệp trồng rau diếp cá, ông Tám Sẵn đánh giá, rau diếp cá có giá bán tương đối cao và ổn định nhất trong các loại rau màu.
Ông cho biết thêm, trong năm, giá rau diếp cá luôn đứng ở mức 10.000-30.000 ngàn đồng đồng/kg và được đẩy cao từ tháng 4-8.
Năm 2020, giá rau diếp cá tăng đột biến lên mức 70.000-90.000 đồng/kg kéo dài 3-4 tháng. Thậm chí, có lúc thương lái mua rau diếp với giá 100.000 đồng/kg.
Hiện, mỗi ngày ông Tám Sẵn thu hoạch khoảng 300kg rau diếp cá. "Trồng rau diếp cá chi phí đầu tư ít, thu hoạch mỗi ngày, giá bán lại luôn cao, ổn định. Mỗi ngày tôi cầm chắc một triệu đồng tiền bán rau diếp cá", ông Tám Sẵn khoe.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm Đặng Trung Hậu cho biết, ngoài rau diếp cá, rau xà lách xoong cũng là cây chủ lực đem về tiền tỷ cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Dung (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), một nông dân trồng 1,2ha rau xà lách xoong ứng dụng công nghệ cao.
Bà Dung cho biết, cũng như rau diếp cá, giá bán rau xà lách xoong cũng rất tốt. Mỗi năm bà có thể thu hoạch gần 20 đợt rau xà lách xoong. Mỗi đợt bà cắt khoảng 4 tấn rau xà lách xoong. Nhiều thời điểm nhà bà Dung cắt rau xà lách xoong không có ngày nghỉ.
Theo ông Hậu, bà con nông dân trong xã Phước Lâm đang mở rộng diện tích trồng rau diếp cá và rau xà lách xoong. Hiện, xã có gần 250ha trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó diện tích trồng rau diếp cá và trồng xà lách xoong chiếm hơn 60ha.
Công nghệ cao, hiệu quả kinh tế cao
Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau an toàn đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, trong điều kiện tình hình hạn, mặn như hiện nay, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn giúp nông dân duy trì sản xuất hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại và tạo ra lợi nhuận tốt hơn.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện toàn tỉnh có gần 2.100ha trồng rau màu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Diện tích trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu ở huyện Cần Giuộc và Cần Đước.
Vùng trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sử dụng giống sạch bệnh, rau cho năng suất cao và chất lượng tốt.
Các hộ trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sử dụng phân hữu cơ vi sinh; sử dụng thuốc trừ sâu sinh học…lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước...
Rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa phương tỉnh Long An đã đạt tiêu chuẩn rau VietGAP, rau GlobalGAP, sản xuất theo chuỗi,...
Sở NNPTNT tỉnh Long An cũng nhận định, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt; ít sâu, bệnh, giảm được lượng phân vô cơ 10-40kg/ha; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với trồng theo phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề hiện nay của nông dân trồng rau ứng dụng công nghệ cao là đầu ra.
Phần lớn, sản lượng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao là bán qua thương lái. Thời gian qua, tỉnh Long An có 20 hợp đồng ký kết giữa nông dân trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp, nhưng chỉ có 6 hợp đồng được thực hiện.
Theo ông Phạm Văn Bốn, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giuộc, thời gian tới, ngoài xây dựng thương hiệu cho rau an toàn tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, huyện sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học…
Sau 5 năm theo đuổi xây dựng vùng trồng rau an toàn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nay vùng hạ của tỉnh Long An, các hộ trồng rau thu rủng rỉnh tiền, có hộ thành tỷ phú
Theo ông Nguyễn Văn Trầm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), hiện huyện này có hơn 1.800ha chuyên canh rau màu. Trong đó, toàn huyện có gần 1.000ha trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.
Theo Trần Đáng/danviet.vn
https://danviet.vn/long-an-ong-nong-dan-trong-rau-diep-ca-ba-nong-dan-trong-rau-xa-lach-xoong-cong-nghe-cao-ca-2-la-ty-phu-20210226144229792.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã