Trên 70% lao động phải nghỉ việc
Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, do thực hiện giãn cách xã hội, đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3 tại chỗ. Hiện có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Theo ông Luân, thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30 - 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Chính vì thế dẫn đến việc giảm thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ vùng nuôi của công ty hoặc trong chuỗi liên kết. Cũng do tình trạng này khiến dư thừa nguyên liệu, cả chuỗi cá tra cũng bị ảnh hưởng. Cước vận tải biển thì liên tục tăng từ 2 - 3 lần, thậm chí có thời điểm tăng đến 10 lần. Bên cạnh đó, còn phát sinh chi phí 3 tại chỗ, thuê phòng ở của công nhân tăng từ 50 - 100%. Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang.
Đối với nhưng nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20 - 30%, năng suất lao động giảm mạnh. Bên cạnh số lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, thì số lượng tương đương cho các lực lượng lao động liên quan trong chuỗi sản xuất cũng bị tác động theo. Nhất là tỷ lệ các công nhân/nhân viên được tiêm vacxin mũi 1, rải rác từ 10 - 90% tùy địa phương và doanh nghiệp, mũi 2 còn hạn chế chiếm khoảng 10%.
Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) cũng đã giảm khoảng 50 - 55% so với các tháng trước. Sản lượng cá tra thu hoạch trong 2 tháng giãn cách xã hội giảm tương ứng 20% và 44,9% so với tháng 7, 8 của năm 2020. Đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm tới 77% so với cùng kỳ.
Khâu nuôi trồng cũng gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn thủy sản tăng, thiếu công nhân thu hoạch. Vận chuyển con giống, thức ăn, sản phẩm cá tra giữa các địa phương bị đứt gãy, phát sinh chi phí test covid, nguy cơ thiếu nguyên liệu trong những tháng cuối năm cao.
Địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị gì?
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết: “Về việc tiêm vaxin tại các địa phương áp dụng không thống nhất, đôi khi gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp. Vì thế, cần phân bổ ưu tiên để tiêm ngừa cho người lao động trong chuỗi cá tra để công nhân có thể vào nhà máy, người vận chuyển cá được di chuyển, người nuôi được ra đồng. Các hội viên cũng đề xuất được giảm lãi suất và giãn nợ, giúp DN vượt qua trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cũng đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ giảm tiền điện sản xuất cho DN, nâng tỉ lê giảm tiền điện lên 20-30% thay vì giảm 10%. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp bình ổn giá thức ăn đang tăng cao, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các DN thực hiện kênh phân phối thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, vì cá tra hiện đang còn tồn đọng khá nhiều.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cho biết, DN muốn đưa con cá về nhà máy chế biến thì phải đi qua nhiều bước, như thu hoạch thì cần phải có lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, nếu có sự quản lý khác nhau (giữa các chốt) thì rất khó cho lực lượng này. Họ còn phải thực hiện test nhanh, thu hoạch xong muốn về thì phải cách ly 14 ngày,... làm chậm tiến độc và ách tắc sản xuất của DN.
“Bất công nhất là những người làm giống và thu hoạch cá giống không được tiêm vacxin khiến DN rất thiếu lực lượng công nhân thu hoạch cá giống. Vì thế, tôi đề nghị tiêm vacxin cho lực lượng lao động, cấp “thẻ xanh” cho lao động thu hoạch cá liên tỉnh; đơn giản hoá thủ tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác: Công nhân thu hoạch cá giống được phép đi về trong ngày và không phải cách ly, test 3 ngày/lần. Đối với địa bàn thực hiện chỉ thị 15 và 15+ thì được test nhanh âm tính trước khi về nhà và chỉ test một lần không cần phải test nhiều lần...”, bà Khanh đề xuất.
Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, tại tỉnh này, từ tháng 8 có trên 90% DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ còn 4 DN hoạt động theo phương án 3 tại chỗ, với công suất chỉ đạt khoảng 50%. Ông Minh cũng cho rằng, việc thực hiện phương án 3 tại chỗ chỉ là tạm thời trong tình hình dịch bệnh, khó có thể duy trì được lâu dài. Ngoài việc ăn ở và tâm lý của công nhân bất ổn, mà chỉ chủ quan một chút thì tỉ lệ nhiễm bệnh Covid-19 sẽ tăng cao. Vì thế, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh cho DN trong tình hình mới, nhằm duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả và an toàn.
Tươg tự, bà Trần Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn chung về test nhanh, giá trị test nhanh và sâu, thời gian quy định như thế nào cho thống nhất. Về vấn đề “3 tại chỗ”, đề nghị phải phù hợp với từng DN và giao cho DN tự quản lý, tự điều hành trong mọi hoạt động của họ.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị sớm có giải pháp xử lý các khó khăn cho DN, như: chi phí sản xuất tăng, trang bị cơ sở vật chất cho công nhân lưu trú, hỗ trợ công nhân test nhanh và test PCR; vấn đề nguồn vốn vay để cho các hộ nuôi liên kết tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới, đảm bảo nguyên liệu cho ngành sản chế biến cá tra xuất khẩu thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị, để việc sản xuất và lưu thông cá tra xuất khẩu thuận lợi trong quí IV/2021, cần có chính sách về tiêm vacxin cho người sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chính sách về giá thu mua nguyên liệu, giá thức ăn, vốn đầu tư tái sản xuất...
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp thì cho rằng, thời gian tới, việc xét nghiệm tầm soát cho công nhân như thế nào thì cần Bộ y tế hướng dẫn thêm để đánh giá tốt vấn đề này. Tuy nhiên, bản thân các DN cũng phải tự điều chỉnh lại việc bố trí hoạt động sản xuất thích hợp, đảm bảo được công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Phân định “vùng đỏ” nhỏ hơn để mở cửa sản xuất
Giải đáp các kiến nghị liên quan đến tình hình dịch Covid -19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hiện 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo những cấp độ khác nhau, từ đó có độ vênh nhất định. Vì thế, Bộ Y tế thống nhất việc phải xây dựng hướng dẫn chung cho tất cả 19 tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, nhằm đảm bảo có chính sách đồng bộ để phát triển kinh tế, trong đó có ngành cá tra ở ĐBSCL.
Trên tinh thần đó, Bộ Y tế sẽ tham gia tháo gỡ vướng mắc của Bộ NN-PTNT. Bộ Y tế xác định, chúng ta không thể “Zero Covid-19”, vì thế, cần xây dựng kịch bản linh hoạt có kiểm soát dịch bệnh. Bộ Y tế đang xây dựng các hướng dẫn mới để đảm bảo sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” với phiên bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.
Bộ y tế cũng đề xuất không nên áp dụng tiêu chí phân định “vùng đỏ” cho địa bàn tỉnh, huyện, xã, mà đưa xuống đơn vị dân cư, đơn vị hành chính nhỏ hơn để mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” và dễ kiểm soát dịch. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tích cực xác định vùng nguy cơ một cách linh hoạt để sớm trở về trạng thái “bình thường mới” nhằm mở cửa phát triển kinh tế theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế.
“Bộ Y tế tiếp tục phân loại hành chính 4 nhóm nguy cơ lẫy nhiễm Covid-19 . Nhiệm vụ của UBND các cấp và DN nên xây dựng kịch bản, biểu đồ theo ma trận để sản xuất an toàn. Đặt trường hợp, nếu nhà máy “vùng xanh”, công nhân ở “vùng đỏ” thì phương án sản xuất như thế nào? Công nhân ở “vùng đỏ”, nhà máy “vùng đỏ” thì xử lý như thế nào?..vv.. Khi chúng ta xây dựng được biểu đồ ma trận thì mới ra được phương án sản xuất hiệu quả”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến kiến nghị về tiêm vacxin cho người lao động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác 970, đề nghị các đơn vị tập hợp sớm các đề xuất và có văn bản để gửi tới Ban chỉ đạo phòng chống Covid -19 Trung ương, nhằm kịp thời điều động nguồn vacxin về cho chuỗi sản xuất ca tra tại các địa phương.
Tạo khí thế mới sau đại dịch
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, bất cứ ai cũng đang bị tác động của dịch Covid-19. Đáng nói là không một nhà khoa học nào khẳng định được khi nào dịch bệnh này chấm dứt. Chính phủ cũng đồng thuận rằng không biết khi nào dịch bệnh Covid-19 sẽ dừng. Chính phủ vừa có cuộc họp khẩn và khẳng định không thể nào phủ hết ngay vacxin cho tất cả các ngành nghề được. Chính phủ cũng thấy việc khoanh vùng dập dịch có nơi phong tỏa quá rộng và quá mức cần thiết. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị Bộ y tế cần sớm đưa ra kịch bản hướng dẫn cho các DN trong điều kiện bình thường mới như thế nào?
Bộ trưởng cũng cho rằng, đây cũng là dịp 13 tỉnh ĐBSCL thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế. “Tôi luôn luôn quan niệm rằng, khi nào 13 tỉnh ĐBSCL xem là một thực thể kinh tế, có sự điều hoà phối hợp, thì khi đó kinh tế của ĐBSCL, cụ thể con cá tra mới có sự phát triển. Tôi xem như là không gian kinh tế từ địa phương này đến địa phương khác, từ nhà máy đến công nhân, từ ao nuôi này đến ao nuôi khác, nó như dòng chảy, là mạch máu trong cơ thể con người, nên chỉ cần một mạch máu nào bị đứt thì cũng bị gãy chết. Không gian kinh tế, chuỗi ngành hàng nó không chỉ riêng của tỉnh nào, mà nó từ công nhân nhà máy và người nuôi của các tỉnh đưa lên TP.HCM đến các cảng, ra đến thị trường nước ngoài…”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, DN cần tạo ra một khí thế mới sau đại dịch. “Nếu chúng ta cùng lạc quan thì sẽ nhanh đi tới thắng lợi!”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho rằng, trước đây, ngành nông nghiệp mới chỉ tập trung vào sản xuất, nay Bộ NN-PTNT sẽ tạm thời giữ vai trò kết nối để tạo thành một thực thể và phải phục hồi kinh tế trong điều kiện đại dịch.
Ông tâm tư: “Khi con tôm ở dưới ao, con cá đang quẫy dưới nước thì chưa thể nói được chuyện gì thành công, mà còn cả một chuỗi đường đi đến nhà máy chế biến rồi vận chuyển ra đến cảng xuất khẩu như thế nào. Một miếng philê xuất khẩu ra nước ngoài cần bao nhiêu khâu, bao nhiêu công đoạn sản xuất thì chúng ta cần phải hiểu. Chúng ta cần phải vực lại con cá tra, xây dựng lại chiến lược phát triển cho con cá tra dài hơi. Thủ tướng cũng đang rất trăn trở về vấn đề này, kể cả việc ách tắc trong chuỗi sản xuất”.
Theo Minh Sáng - Trần Trung - Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/giai-phap-nao-phat-trien-chuoi-ca-tra-sau-gian-cach-d303530.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã