Làm nghề buôn đồng nát, chị NguyễnThị Lưu (quê Hà Tĩnh) cho biết, khi nghe thông tin những người lao động tự do như chị được Chính phủ hỗ trợ chị rất cảm kích và sự mong mỏi gói hỗ trợ sớm để phần nào ổn định cuộc sống.
“Tôi mong sớm nhận được hỗ trợ để bớt đi phần nào khó khăn. Trong lúc không có thu nhập như hiện nay, tiền hỗ trợ một cách kịp thời cho người dân như chúng tôi là rất có ý nghĩa”, chị Lưu bày tỏ.
Chị Lưu cho hay, trước kia công việc dù vất vả nhưng chị và chồng vẫn kiếm được trung bình hơn trăm nghìn mỗi ngày, đủ để trả tiền trọ, tiền ăn và tiết kiệm gửi về quê phụ bố mẹ nuôi hai đứa con. Từ khi thực hiện cách ly xã hội, chị phải tiêu chi tằn tiện, xin cơm từ thiện ăn qua ngày dịch. Trong khi đó, vẫn phải trả tiền trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày.
“Mùa dịch này không những vợ chồng tôi mà những người lao động khác cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, tôi mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để trang trải cuộc sống”, chị Lưu nói thêm.
Người dân mong mỏi vào gói hỗ trợ người gặp khó khăn vì Covid-19 của Chính phủ.
Tại Đà Nẵng, hàng trăm người lao động thu nhập thấp thời gian qua cũng không có việc làm. Nhiều người lao động thu nhập thấp thậm chí phải cầm cự qua từng bữa chờ ngày đi làm trở lại sau mùa dịch.
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Nhàn đã đến trụ sở Thành đoàn Đà Nẵng để nhận gạo miễn phí. Ông Nhàn chia sẻ, hai chân đi lại khó khăn, ông phải ngồi xe lăn đi bán vé số, mỗi ngày thu nhập từ 100.000-120.000 đồng, số tiền này đủ để gia đình ông chi tiêu trong ngày. Từ khi tạm dừng bán vé số đến nay, nguồn thu nhập chính mất đi, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn.
“Nghe mọi người bảo, Chính phủ đã có gói hỗ trợ dành cho người lao động nghèo trong mùa dịch. Tôi rất mừng, mong chính sách này sớm triển khai để chúng tôi trang trải cuộc sống”, ông Nhàn chia sẻ.
Ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho khoảng 20 triệu người gặp khó khăn vì Covid-19, thực sự đã tiếp thêm sức mạnh nguồn cổ vũ lớn lao không chỉ với người nghèo, người gặp khó mà còn cho toàn xã hội. Nhiều người đã đánh giá đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết, không bỏ sót ai chịu thiệt hại vì dịch bệnh.
UBND các quận, huyện trên địa bàn TP.Đà Nẵng đang chỉ đạo UBND các phường, xã triển khai khảo sát, thu thập thông tin về các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, UBND các phường, xã cung cấp tờ khai và tổ chức hướng dẫn cho Tổ trưởng các Tổ dân phố về cách điền tờ khai theo mẫu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; trên cơ sở đó, Tổ trưởng các Tổ dân phố sẽ thực hiện việc hướng dẫn khai đến từng hộ dân.
Người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố được nhận gạo miễn phí hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Kim Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, địa bàn phường có 103 Tổ dân phố; để đảm bảo phòng, chống dịch, phường không tổ chức tập huấn chung một lần cho tất cả các Tổ trưởng Tổ dân phố, mà chủ động chia làm nhiều đợt với số lượng người tham gia ít, đồng thời, thực hiện tư vấn, hướng dẫn trực tiếp qua điện thoại.
“Những ngày gần đây, tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi và trả lời về cách điền tờ khai thông tin từ Tổ trưởng các Tổ dân phố. Trong quá trình khai, người dân thắc mắc đến đâu, chúng tôi tư vấn ngay đến đó, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, đảm bảo công tác lấy tờ khai chính xác, đầy đủ thông tin”, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang chia sẻ.
Bà Lê Thị Kim Thương cũng thông tin thêm, bên cạnh 4 mẫu tờ khai thông tin do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp, UBND phường Thọ Quang đã chủ động xây dựng thêm một mẫu tờ khai thứ 5 dành cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ khẩn cấp trên địa bàn phường để đảm bảo không có ai bị thiếu đói trong giai đoạn này.
Tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) bà Bùi Thị Kim Vân, Tổ phó Tổ dân phố 33, cho biết, sau khi nhận được mẫu tờ khai thông tin, ngay trong ngày, bà đã đi đến từng hộ gia đình trong khu dân cư mình phụ trách để trao tờ khai, và hướng dẫn khai thông tin.
Tuy nhiên, tại một số địa phương việc triển khai còn rất lúng túng, chưa thực sự phát huy hiệu quả và tính nhân văn của chính sách, thậm chí nhiều lao động dù biết mình nằm trong đối tượng được thụ hưởng nhưng không thể làm gì hơn.
Theo phản ánh của một số người dân, họ vẫn chưa thấy cán bộ xã đến gia đình để kê khai. “Tôi nghe trên tivi nói, mọi người đều có thể khai thông tin gửi về địa phương rồi sau đó sẽ được xét duyệt để xác nhận có nằm trong đối tượng được nhận tiền hỗ trợ hay không. Nhưng nghe thì chỉ nghe vậy thôi, chứ cũng chưa thấy triển khai gì cả”, một ngườ dân tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Bùi Quốc Bình - Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho hay, địa phương triển khai trên tinh thần giao cho các đồng chí trưởng thôn với trách nhiệm quản lý địa bàn, nắm lại danh sách ai như thế nào sẽ có báo cáo về xã.
“Với văn bản chỉ đạo chỉ trong 4 ngày xã phải báo cáo danh sách, số lượng các đối tượng về cho huyện nên cách triển khai gặp khó khăn. Bây giờ mới là khảo sát, sau này có gói hỗ trợ cụ thể của thành phố thì khi đó xã sẽ làm việc với các thôn, thông báo rộng rãi cho người dân biết”, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước nói.
Theo ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng, việc triển khai tại địa phương gặp một số khó khăn là do đang trong thời gian cách ly xã hội nên số người tiến hành khảo sát không được nhiều, khiến cho tiến độ không được nhanh.
Trong khi đó, các lao động mất việc còn chưa rõ sẽ thuộc nhóm nào trong khi do đang thời gian cách ly nên không thể tổ chức tập huấn được. Lao động tự do di chuyển liên tục nên không xác định được.
"Khi tiến hành chi trả, các địa phương, đơn vị sẽ tiến hành niêm yết công khai danh sách để tránh trường hợp người bị bỏ sót, người lợi dụng chính sách", ông Nguyễn Văn An nói.
Có thể thấy, theo đúng mẫu hướng dẫn của Sở LĐTBXH Đà Nẵng thì không có mẫu kê khai của từng cá nhân. Tuy nhiên, tùy điều kiện và cách làm của từng tổ dân phố có thể sử dụng các mẫu phù hợp để gửi cho người lao động hoặc hộ kinh doanh để tự kê khai. Sau đó thu thập lại và tổng hợp thành danh sách nhằm thực hiện tốt công tác này trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Việc tổ dân phố trực tiếp đi từng hộ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của địa phương nhằm đảm bảo nắm thông tin cụ thể, chính xác hơn, tránh bỏ sót đối tượng. Chính điều đó đang mang lại những hy vọng rất lớn, sự yên tâm cho người dân, hộ kinh doanh, DN thuộc nhóm được hỗ trợ vể việc họ sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ.
Diệu Bình/Danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/goi-ho-tro-62000-ty-dong-nguoi-lao-dong-mong-moi-tung-ngay-1081453.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã