Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang được phát hiện lần đầu tiên ngày 21/5/2019 tại TP Long Xuyên.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn tỉnh đã tiêu tủy gần 29.000 con heo. Bước sang đầu năm 2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi được đẩy lùi và sau đó UBND tỉnh An Giang ra quyết định về việc công bố hết dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Sau khi An Giang công bố hết dịch tả heo Châu Phi, ngành nông nghiệp đang khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn heo trên địa bàn một cách thận trọng và hiệu quả, nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch trở lại, nhằm góp phần bình ổn giá heo trên thị trường tỉnh.
Cùng đó tăng cường quản lý chăn nuôi heo, phục hồi đàn nái bị thiệt hại sau dịch, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Đồng thời đẩy mạnh tăng cường quản lý chăn nuôi heo bằng sổ sách, tạo mối gắn kết giữa các chủ nuôi nhỏ lẻ không ổn định để đưa họ vào sản xuất trong tổ nhóm, sản phẩm đưa ra thị trường an toàn. Khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Phục hồi 80% số lượng heo đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả heo Châu Phi, tổng đàn heo dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 22.774 con, trong đó hỗ trợ phục hồi khoảng 652 con heo nái sinh sản chất lượng cao được mua từ trại heo có uy tín, nhằm cung cấp con giống tốt cho hộ chăn nuôi tái đàn.
Tái đàn trên cơ sở các doanh nghiệp, các trang trại lớn đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. Ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh.
Tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch đã qua 30 ngày). Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở hoặc hộ gia đình.
Sát trùng chuồng trại trước đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Hộ chăn nuôi phải được tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phải cam kết thực hiện theo đúng quy trình. Không thực hiện tái đàn tại những hộ chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, nội ô, nội thị.
Để giúp các hộ dân tái đàn heo hiệu quả và vượt qua khó khăn bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành nông nghiệp An Giang trong quý 2/2020 tiến hành hỗ trợ các hộ tái đàn heo mua 605 con heo cái giống chất luợng cao. Định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 3,2 triệu đồng/con. Số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5 - 40 con.
Còn tại Đồng Tháp, có hướng đi mới hơn về kế hoạch tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau dịch tả heo Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025, phải có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi lớn (tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt) đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Phước Thiện, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh có tổng lượng đàn heo lớn thứ 2 ở ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Tiền Giang. Vì trên địa bàn có làng bột Sa Đéc khá lớn, nên có nguồn thức ăn dồi dào phục vụ cho những người nuôi heo truyền thống.
Từ khi xuất hiện dịch bệnh, đàn heo của tỉnh bị thiệt hại buộc phải tiêu hủy, làm tổng đàn giảm mạnh.
Chính vì vậy, hiện nay tỉnh đang từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi heo, sẽ phấn đấu giá trị sản xuất năm 2020 đạt 2.352 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2019.
Về nguyên tắc tái đàn, mỗi cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn với số lượng khoảng 10%, tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở có quy mô nuôi trên 100 con heo ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô nuôi từ 100 con trở xuống. Theo dõi, giám sát chặt chẽ số heo tái nuôi trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo chịu sự quản lý, định hướng của ngành chuyên môn trong việc tái đàn, gắn với tái cơ cấu sản xuất. Đồng thời tuân thủ điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Không được tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi và điều kiện bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Hậu Giang, sau khi UBND tỉnh có quyết định công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn của 8 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, người chăn nuôi đã có thể phát triển đàn trở lại. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tái đàn cần phải khai báo để được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Tương tự, tại Kiên Giang người chăn nuôi cũng đang chuẩn bị cho việc tái đàn sau khi dịch bệnh được khống chế. Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với người chăn nuôi là việc mua heo giống để tái đàn quá khó, không chỉ giá cao mà muốn mua cũng không có nơi bán.
Ông Nguyễn Trường Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay, đơn vị mới đang làm thủ tục để nhập heo ông bà từ các cơ sở thuộc Viện chăn nuôi trực thuộc ngành nông nghiệp về gầy dựng lại. Như vậy, sớm nhất cũng phải qua tới đầu năm sau mới có heo giống để cung cấp ra cho dân tái đàn.
Nguồn tin: Lê Hoàng Vũ - Đ. T. Chánh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã