Sau 2 năm triển khai Hà Nội đã đứng đầu cả nước về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thiện Tâm. |
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, hỗ trợ của đơn vị tư vấn cùng sự chủ động của các quận, huyện đến nay Hà Nội vẫn bảo đảm tiến độ đánh giá sản phẩm OCOP theo như kế hoạch để nỗ lực hoàn thành 1.000 sản phẩm được phân hạng giai đoạn 2019-2020.
Chia sẻ với phóng viên, chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Rau Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín cho biết, với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm rau mầm, rau baby tại các hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích, Hợp tác xã Rau Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín cũng đã có 15 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2019. Qua đánh giá của Hội đồng thẩm định, sản phẩm của Hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn 4 sao. Được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ là giấy thông hành bảo đảm chất lượng, uy tín của sản phẩm để Hợp tác xã thúc đẩy quảng bá, hợp tác với các đối tác đưa sản phẩm của đơn vị vào các chuỗi siêu thị lớn, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm.
Theo nghệ nhân Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, với quy chuẩn chất lượng thống nhất trong cả nước, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP không chỉ được lưu hành của công ty tiêu thụ rộng rãi trong cả nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu, với 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen do Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đang nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm chất lượng, mang tinh hoa hồn cốt của làng nghề để chinh phục thị trường Quốc tế.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới cho biết, Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Để thực hiện Chương trình OCOP, UBND Thành phố đã bố trí tổng kinh phí thực hiện Chương trình là trên 55 tỷ đồng trong đó, năm 2019 là 12 tỷ đồng và năm 2020 là 43 tỷ 690 triệu đồng giao Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố để thực hiện các nội dung theo Quyết định của UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020. Ngoài phần kinh phí UBND Thành phố giao Văn phòng điều phối nông thôn mới Thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng đã bố trí nguồn ngân sách cấp huyện để thực hiện Chương trình; các chủ thể cũng đã đầu tư, đổi mới công nghệ, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trong năm 2019 và năm 2020. Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị tư vấn, sự vào cuộc đồng bộ của Nhân dân, đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 630 sản phẩm OCOP, trong đó có có 14 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 2,2%); 421 sản phẩm 4 sao (chiếm 66,8%); 195 sản phẩm 3 sao (chiếm 31%).
Bên cạnh việc đẩy nhanh phân hạng cấp sao cho các sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng đã lựa chọn và khai trương đưa vào hoạt động được 13 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên toàn thành phố. Hàng hóa bày bán trong các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm nêu trên đều là các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên bao gồm sản phẩm lụa tơ tằm, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả an toàn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực. Ngoài ra, trong 2 năm 2019 và 2020, Hà Nội cũng đã tổ chức một loạt các sự kiện quảng bá kết nối giao thương các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền. Năm 2020, mặc dù trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng Hà Nội cũng đã tổ chức 4 sự kiện kết nối gắn với công tác phòng dịch diễn ra được an toàn, đạt được các kết quả đề ra, góp phần tạo điều kiện cho các đơn vị doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy hợp tác đưa sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền về tiêu thụ tại Thủ đô Hà Nội.
Đánh giá về vấn đề này, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã mang lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trong việc thúc đẩy quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển, nâng cấp, hỗ trợ, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng mỗi năm ít nhất khoảng 400 sản phẩm mới, ưu tiên các sản phẩm từ ý tưởng, sản phẩm đặc sản các vùng miền, làng nghề có thương hiệu, sản phẩm chủ lực của các địa phương, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng, trên sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hà Nội.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế của Hà Nội theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ. Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường qua việc tổ chức hội chợ OCOP và diễn đàn kết nối giao thương cấp Thành phố; hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu nhà phân phối, mở rộng thị trường. Xây dựng các điểm bán các sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã.
Theo Thiện Tâm/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã