Sau gần 5 tháng thực thi Hiệp định, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt tỷ lệ khá cao, chiếm khoảng trên 14% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11 năm 2020, các cơ quan tổ chức đã cấp trên 54.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 2,1 tỷ USD đi 28 nước bao gồm EU-27 và Anh.
Tại Việt Nam, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.
Tại EU, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được hướng dẫn tại Tài liệu do EU soạn thảo. Trong đó, một số nội dung mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang thị trường EU như sau:
1. Ưu đãi thuế quan theo cơ chế GSP
Theo quy định tại Phụ lục 2-A, Phần A, điểm 3 của Hiệp định EVFTA, ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam theo cơ chế GSP sẽ được cố định và duy trì trong 7 năm đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
- Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó.
- Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn áp dụng một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA.
2. Ưu đãi thuế quan EVFTA cho hàng hóa đã thông quan tại EU
- Theo quy định tại Chương 3, Luật Hải quan của Liên minh châu Âu, hàng hóa của Việt Nam sau khi nhập khẩu vào EU (đã thông quan) vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ còn hiệu lực được phát hành sau ngày xuất khẩu. Trong trường hợp này, chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1 hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sẽ được phát hành sau theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 (5), Nghị định thư 1, Hiệp định EVFTA.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU có C/O mẫu A, đã được thông quan và hưởng ưu đãi theo GSP (một phần hoặc toàn bộ) tại EU, nhà nhập khẩu EU vẫn có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy định tại Hiệp định. Trong trường hợp này, nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền cấp sau C/O mẫu EUR.1 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA.
3. Cộng gộp vải nguyên liệu từ Hàn Quốc
Nguyên tắc cộng gộp vải nguyên liệu có xuất xứ Hàn Quốc để sản xuất sản phẩm dệt may tại Việt Nam không tự động được áp dụng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam và Hàn Quốc cần trao đổi, thống nhất việc phối hợp xác minh xuất xứ khi áp dụng nguyên tắc cộng gộp này và thông báo với EU.
Hiện nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký công hàm trao đổi về việc thực hiện nguyên tắc cộng gộp xuất xứ vải theo Hiệp định EVFTA và đã có thông báo với EU. Sau khi EU phản hồi đã nhận được thông báo về việc triển khai cộng gộp của Hàn Quốc và Việt Nam, nguyên tắc cộng gộp vải này sẽ được áp dụng kể từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng mà EU phản hồi.
4. C/O mẫu EUR.1
EU chấp nhận C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp bởi cơ quan, tổ chức cấp của Việt Nam đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có C/O mẫu EUR.1 với seri AA được cấp trước ngày 01/01/2021 vẫn được chấp nhận tại EU, cho dù lô hàng đó nhập khẩu vào EU sau ngày 01/01/2021. Kể từ ngày 01/01/2021, các cơ quan, tổ chức cấp được Bộ Công Thương ủy quyền sẽ cấp C/O mẫu EUR.1 từ seri AB trở đi.
Thông tin chi tiết tại Tài liệu hướng dẫn của EU về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được đăng tải theo đường dẫn: https://ec.europa.eu/taxation_customs/sites/taxation/files/evfta-guidance.pdf
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã