Những ngày hậu lũ lịch sử, thời tiết tuy còn âm u nhưng khu vực đất cát ven biển huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… khô ráo nên bà con nông dân khẩn trương ra đồng khôi phục sản xuất.
Trên cánh đồng tập trung rộng 12,5 ha trồng rau, củ, quả trên cát, nông dân thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà đồng loạt chạy đua với thời vụ nhằm “vớt” lại những gì đã mất.
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, người dân thôn Bắc Văn có kinh nghiệm trồng rau, củ trên cát từ bao đời nay nên chỉ cần thời tiết tạnh ráo là khôi phục sản xuất được luôn.
“Đáng lẽ hôm nay chúng tôi đã thu hoạch 1 lứa củ cải rồi, nhưng trận lụt vừa qua nước ngập làm mất trắng diện tích sắp thu hoạch”, bà Hằng nói.
Mặc dù nước lũ không ngập nhà nhưng đã phá hủy toàn bộ diện tích 2 sào củ cải của gia đình bà Hằng. Sau lũ, bà hỗ trợ những gia đình ngập nặng dọn dẹp nhà cửa, sau đó tranh thủ ra đồng cày xới lại đất, gieo trồng lứa củ cải mới. Giống củ cải có thời gian sinh trưởng 50 - 55 ngày nên sẽ kịp cung cấp cho thị trường thời điểm trước tết.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho hay, phát huy thế mạnh sản xuất vụ đông trên đất cát ven biển, ngay từ đầu vụ Thạch Văn đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích rau, củ, quả ở vùng tập trung và vườn nhà.
“Sau khi lũ rút chúng tôi đã động viên bà con kịp thời ra đồng khôi phục sản xuất. Những chỗ nào còn khôi phục được thì cho dặm tỉa, những chỗ hư hỏng, mất trắng thì cho làm đất, gieo trồng lại. Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ để thu hoạch đúng thời điểm có giá cao nhất”, ông Bằng nói.
Cùng với Thạch Văn, các xã như Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Khê... cũng đang “vắt chân lên cổ” chạy đua với thời vụ, xuống giống rau vụ đông, mục tiêu vừa đảm bảo tự cung, tự cấp, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Thống kê bước đầu của huyện Thạch Hà cho thấy, 2 đợt mưa lũ vừa qua toàn huyện có 76 ha lúa mùa; hơn 570 ha rau màu; hơn 3.800 cây cảnh thiệt hại từ 50-70%; 125 ha cây ăn quả bị thiệt hại trên 30%; hơn 4.150 tấn lương thực (lúa, ngô) và 60.000 bịch nấm bị ướt, trôi, hư hỏng…. Giá trị thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng.
“Để kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, tổ chức khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, huyện đã có văn bản đề xuất hỗ trợ 100% kinh phí mua giống và 50% kinh phí mua phân bón cho các vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung (125 ha); hỗ trợ 50% kinh phí mua bịch giống nấm; hỗ trợ 50% kinh phí mua giống gia súc, gia cầm…Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 5,4 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin.
Tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo trồng được 4.264/10.812 ha cây vụ đông, đạt 39,44% kế hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lũ lụt, nhiều diện tích bị hư hỏng, thậm chí mất trắng. Sau lũ, ngành chuyên môn Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương động viên người dân khẩn trương khôi phục sản xuất khi đất ráo nước, tập trung gieo trồng các giống rau, củ, quả ngắn ngày để đảm bảo an ninh lương thực; trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi…
Nguồn tin: Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã