Ban tổ chức đã trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020.
Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam là sự kiện thường niên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng toàn cầu, trong đó có ngành nông nghiệp Việt Nam, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020 được tổ chức nhằm mục đích quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống; giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; Khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Phát biểu tại hội chợ ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, ngành nghề thủ công ở nông thôn hiện nay đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cả về vùng nguyên liệu, sử dụng lao động nông nhàn ở nông thôn và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Đến nay tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã đạt trên 236.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 2,35 tỷ đô la. Trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 10%. Khu vực ngành nghề thủ công nông thôn đang thu hút hơn 9.450 doanh nghiệp; 3.382 hợp tác xã; 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình tham gia sản xuất với trên 2,3 triệu lao động, trong đó chủ yếu người cao tuổi, lao động nông nhàn, lao động từ các khu công nghiệp trở về và những lao động tại địa phương.
Thu nhập bình quân của lao động đạt 4,0-5,0 triệu đồng/người/tháng, cao hơn gấp 2,0 lần lao động thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có ngành nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước. Như vậy, việc phát triển ngành nghề thủ công đã góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.
Ngoài ra, phát triển ngành nghề thủ công còn kéo theo sự phát triển của các ngành nghề kinh tế khác như sản xuất mây tre đan, tơ dệt, khai khoáng, trồng rừng lấy gỗ, chăn nuôi lấy da làm nguyên liệu, phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng kinh tế ở nông thôn.
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, còn có sự đóng góp to lớn của các nghệ nhân, thợ giỏi và các nhà thiết kế sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Những người với khả năng sáng tạo phong phú cùng đôi bàn tay khéo léo tài hoa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô cùng có giá trị mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam, đã trở thành niềm tự hào của Ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại hình ảnh một đất nước Việt Nam văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong khuôn khổ hội chợ ban tổ chức đã trao 42 giải thưởng gồm: 05 giải nhất, 05 giải nhì, 05 giải ba và 27 giải khuyến khích cho các tác phẩm có tính sáng tạo, tinh hoa nhất, mang đậm giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hội chợ diễn ra đến ngày 9/11/2020.
Nguồn tin: Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã