Học tập đạo đức HCM

NGƯỜI MỞ LỐI ĐỂ DÂN THOÁT NGHÈO

Thứ sáu - 06/11/2020 02:30
Ba năm, kể từ khi được biệt phái về làm Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), anh Đỗ Văn Hiếu đã dành trọn nhiệt huyết của người lãnh đạo, mở lối để người dân thoát nghèo.

Đổi mới lề lối làm việc

Nhớ lại những ngày đầu được biệt phái, cùng với vô vàn những khó khăn của một xã nghèo, thách thức lớn nhất với anh Hiếu đó là làm sao để đội ngũ cán bộ, công chức xã phải năng động, sáng tạo hơn. Anh xác định, muốn dân có đời sống khá giả thì cán bộ phải có tác phong làm việc nhanh nhẹn, khoa học, trách nhiệm với công việc. Anh tham mưu cho Thường trực Đảng ủy xã xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể từng tháng đối với mỗi cán bộ, công chức và Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, thay đổi phương pháp phân công cán bộ, công chức phụ trách từng thôn theo phương châm thôn nào yếu về việc gì thì phân công cán bộ, công chức có năng lực, sở trường về lĩnh vực đó phụ trách. Đối với những việc tồn đọng, hằng tuần anh chỉ đạo  kiểm điểm tiến độ thực hiện, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp thực hiện. Anh tham mưu với Đảng ủy nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, nhất là bí thư chi bộ và trưởng thôn. Anh còn vận động cán bộ, công chức, đảng viên và các doanh nghiệp đóng góp mua máy tính xách tay, mở các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin vào công việc cho 100% bí thư chi bộ, trưởng thôn. Đến nay, tất cả bí thư chi bộ, trưởng thôn trong xã đều có thể gửi và nhận văn bản qua máy tính kết nối Internet.


Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Đỗ Văn Hiếu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra việc triển khai dự án trồng cây dược liệu.

Chị Ma Thị Thoa, công chức Văn phòng - Thống kê xã Hùng Mỹ chia sẻ, được Chủ tịch Hiếu hướng dẫn từ việc viết báo cáo, cách tuyên truyền nên chị đã thay đổi hẳn phương pháp làm việc. Chị cũng cho biết, trước đây, việc đánh giá công việc, nhất là việc tồn đọng cũng có thực hiện nhưng không đánh giá, kiểm điểm hằng tuần cụ thể như hiện nay. 

Theo Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Hiếu, muốn cán bộ trưởng thành hơn thì phải giao việc. Nhưng giao việc phải đi liền với giám sát, kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc. Đối với những việc khó thì cần phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thậm chí cán bộ phải “xắn tay” vào làm việc để làm gương. Những ngày đầu được biệt phái về làm Chủ tịch UBND xã cũng là thời điểm xã triển khai làm 3 nhà văn hóa theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh. Vì là việc mới và khó nên cán bộ, nhân dân rất lúng túng. Trong khi đó, nhiều người dân chưa đồng thuận. Ngoài số tiền nhân dân đóng góp, anh Hiếu còn đứng ra vận động xã hội hóa được gần 200 triệu đồng để giúp đỡ 3 thôn làm nhà văn hóa. Bản thân anh tự bỏ số tiền 10 triệu đồng để ủng hộ nhân dân. Chỉ sau hơn 1 tháng, cả 3 nhà văn hóa đều hoàn thành và đưa vào sử dụng.

“Cầu nối" đưa dự án về với nông dân

Cán bộ, công chức và nhân dân ở Hùng Mỹ vẫn nói vui rằng anh Hiếu như "cầu nối" đưa dự án về với nông dân. Hùng Mỹ cũng là nơi có nhiều cái “đầu tiên” trong sản xuất nông nghiệp ở Chiêm Hóa để từ đó nhân rộng ra nhiều xã khác. Anh Hiếu xác định rõ 3 thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế đó là phát triển lâm nghiệp, đại gia súc và nuôi trồng thủy sản. Anh nói: “Muốn dân giàu thì cán bộ phải mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm”. Vì vậy, tận dụng các mối quan hệ của bản thân từ khi còn làm cán bộ của huyện, anh đã đứng ra kết nối với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đưa người dân đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều tỉnh để nhân dân được mở mang kiến thức. 

Trước đây, Hùng Mỹ là “điểm nóng” về phá rừng, khai thác gỗ rừng trái phép. Anh Hiếu tìm hiểu nguyên nhân chính, đó là việc giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo. Vì vậy, anh đã chỉ đạo việc giao khoán bảo vệ rừng phải được thực hiện chặt chẽ hơn gắn với nâng cao năng suất rừng trồng. Hiện nay, toàn xã có trên 1 nghìn ha rừng được giao khoán cho nhân dân bảo vệ. Nâng cao năng suất rừng trồng, anh còn phối hợp với Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tư vấn, tuyên truyền cho nhân dân về hiệu quả, giá trị của việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Từ đó, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng rừng theo quy trình FSC. Hiện nay, toàn xã đã có 150 ha rừng của 40 hộ dân đã được cấp chứng chỉ rừng FSC. Anh còn kết nối với Trung tâm tư vấn phát triển nông thôn của trường Cao đẳng Nghề kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ để triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại thôn Thắm và Ngầu 2 với diện tích 1 ha.


Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ Đỗ Văn Hiếu (ngoài cùng bên phải) kiểm tra mô hình nuôi cá lồng.

Hùng Mỹ cũng là xã đầu tiên trong huyện liên kết với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành liên kết chăn nuôi, tiêu thụ trâu cho nhân dân. Từ một tổ hợp tác chăn nuôi trâu vỗ béo chỉ có 9 thành viên, đến nay Hùng Mỹ đã có HTX chăn nuôi trâu, bò với 30 thành viên tham gia. Xã đang hướng tới xây dựng thương hiệu thịt trâu Hùng Mỹ trở thành sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 4 sao. Nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng đàn trâu, anh còn vận động nhân dân trồng cỏ voi xanh, loại cỏ mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho trâu, bò. Đến nay, toàn xã có gần 100 ha cỏ voi xanh làm thức ăn cho đại gia súc. Anh còn là người kết nối để triển khai dự án thụ tinh nhân tạo cho trâu. Anh vận động HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công của xã trích kinh phí để triển khai dự án cải tạo đàn bò, đưa 30 con bò giống làm cái nền để thực hiện với 6 hộ chăn nuôi tham gia. Anh vận động Hội LHPN xã hỗ trợ hội viên phụ nữ về giống và nhân giống chăn nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi đại gia súc. Từ cuối năm 2019 đến nay đã có 10 hộ triển khai và đang được nhân rộng. Theo ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công, từ việc triển khai các dự án này bước đầu đã giúp nâng cao trọng lượng của đàn trâu từ 1,5 đến 2 lần. Toàn xã đã có 100 con trâu được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Bên cạnh những dự án này, anh Hiếu còn luôn trăn trở làm gì để giúp người dân chăn nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Anh nói: “Trước đây, việc chăn nuôi thủy sản của người dân chủ yếu là thả cá cho cá tự sinh sôi chứ chưa áp dụng khoa học kỹ thuật một cách bài bản”. Anh tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển thủy sản, đưa các hộ dân đi học tập mô hình nuôi thủy sản hiệu quả trong tỉnh. Tiếp đó, anh hướng dẫn thành lập 3 tổ hợp tác nuôi cá lồng, cá ao. Anh là người trực tiếp liên hệ với Trung tâm Thủy sản, các đại lý thủy sản trong tỉnh cung ứng giống và thu mua sản phẩm cho nhân dân. Đến nay, toàn xã có 70 lồng cá và trên 50 ha mặt nước ao nuôi cá. Xã cũng đang phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh hoàn thiện thủ tục để cơ quan chức năng cấp chỉ dẫn địa lý và công nhận sản phẩm cá theo tiêu chuẩn VietGap. Từ nguồn vốn của Chương trình 135, UBND xã Hùng Mỹ còn hỗ trợ 24 hộ phát triển nghề chăn nuôi thủy sản. Ngoài những dự án này, anh Hiếu tổ chức cho nhân dân đi học tập và liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mời các nghệ nhân dạy nghề mây tre đan tại Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội) để dạy nghề đan lát cho nhân dân. Từ mấy năm nay, tổ hợp tác mây tre đan của xã luôn duy trì hiệu quả với 15 thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân lúc nông nhàn. 

Bên cạnh đó, anh Hiếu còn là người đứng ra kết nối với HTX Ánh Dương trên địa bàn triển khai dự án trồng tre lấy măng với diện tích gần 20 ha có sự tham gia của 40 hộ dân.

Thắp lên niềm tin

Những việc “nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hiếu kể từ khi anh được biệt phái và gắn bó với mảnh đất Hùng Mỹ đã thắp lên niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào người đứng đầu UBND xã. Anh chia sẻ: “Mình không cho rằng biệt phái chỉ là một khoảng thời gian nhất định mà mình chỉ luôn nghĩ biệt phái là phải làm được gì giúp nhân dân, có ích cho nhân dân. Và người cán bộ khi biệt phái phải có phương pháp làm việc đó là sát thực tế, có kế hoạch thực hiện cụ thể. Việc gì cũng được họp bàn công khai, dân chủ, thấu đáo thì sẽ thành công”. Cho tới nay, Hùng Mỹ là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Chiêm Hóa có 100% hộ dân đã có nhà tiêu hợp vệ sinh đã được huyện công nhận đạt tiêu chí ODF. Anh Lý Tiến Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Cao Bình cho biết: “Chủ tịch Hiếu thường xuyên xuống thực tế để cùng tổ công tác của thôn hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện. Những hộ có vướng mắc, khó khăn, anh đến tận nơi trực tiếp chỉ đạo. Thôn có 76 hộ dân, hiện nay 100% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh rồi. Những người dân chúng tôi luôn yên tâm và tin tưởng nếu có những cán bộ sâu sát với nhân dân như vậy”.

Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công từ một hộ có thu nhập trung bình, đến nay đã trở thành hộ có kinh tế khá giàu trong xã. Ông Tuyên nói: “Nhà tôi có được ngày hôm nay là nhờ cán bộ Hiếu dám nghĩ, dám làm, vận động nhân dân cùng làm”. Cuối năm 2017, ông Tuyên tham gia tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của xã. Ban đầu ông nuôi 5 con trâu theo hình thức nuôi nhốt, vỗ béo. Năm đầu, ông bán 2 con trâu thương phẩm, lãi 12 triệu đồng. Năm sau, ông nuôi tăng lên 10 con rồi 15 con. Mỗi năm ông xuất bán từ 15 đến 20 con trâu thương phẩm, thu lãi có lúc lên tới 80 triệu đồng/năm. Phấn khởi vì có thu nhập khá từ nuôi trâu, ông ngày càng mở rộng  quy mô và số lượng đàn trâu. Khi tổ hợp tác chuyển thành HTX, ông được bầu làm Giám đốc. Đến nay, nhiều hộ trong xã nhờ chăn nuôi trâu cũng có kinh tế khá giả hơn. 

Gia đình chị Ma Thị Điều, thôn Hùng Cường hai năm trở lại đây cũng có của ăn, của để nhờ mô hình nuôi cá lồng. Chị Điều cho biết, trước đây chị chỉ nuôi cá ao, có năm được bán, có năm mất vì dịch bệnh. Nhưng từ khi được cán bộ Hiếu vận động, chị tham gia tổ hợp tác nuôi cá lồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi. Gia đình chị hiện có 3 lồng cá đặc sản và cá rô phi. Mỗi năm xuất bán gia đình chị có thêm thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng đã trừ chi phí. Số tiền này tuy chưa nhiều nhưng với gia đình chị cũng có thêm nguồn tiền để chu cấp cho các con ăn học ở xa. 

Trước đây, huyện xếp xã nằm trong danh sách các xã phải về đích nông thôn mới trong năm 2030, nhưng đến nay, khoảng cách này đã được rút ngắn lại, mục tiêu đến năm 2022, xã Hùng Mỹ sẽ về đích nông thôn mới. 

Những việc Chủ tịch Hiếu làm khi được hỏi, anh bảo: “Mình còn phải làm nhiều việc cho dân nữa. Đời sống nhân dân tuy đã khá hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 40% (năm 2017) đến nay xuống còn 15% nhưng vẫn còn cao. Chỉ mong sao, sản phẩm làm ra của nhân dân có đầu ra ổn định. Đó cũng là lo lắng nhất của mình”. Có lẽ không niềm vui nào đối với người cán bộ lớn bằng sự ghi nhận, tin tưởng của nhân dân dành cho. Bởi chính sự ghi nhận của nhân dân mới là thước đo năng lực, tâm huyết, trách nhiệm đối với người cán bộ.

Bài, ảnh: Thủy Châu/https://nongthonmoituyenquang.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập328
  • Hôm nay76,011
  • Tháng hiện tại781,124
  • Tổng lượt truy cập90,844,517
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây