Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; đến nay có 07/16 xã và 03 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Đak Đoa có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, người nông dân phần lớn vẫn còn sản xuất theo phương thức cũ, nhỏ lẻ, ít kỹ thuật và kinh nghiệm, hiệu quả kinh tế thấp, còn tâm lý ngại chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức canh tác… Do vậy việc vận động hình thành các mô hình “Nông hội” theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và nhu cầu của nông dân trong huyện là rất cần thiết.
Thực hiện Công văn số 2824-CV/TU, ngày 04/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh, Hướng dẫn số 09-HD/BDVTU, ngày 05/11/2019 của Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc thực hiện mô hình “Nông hội” trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 160-KH/HU, ngày 05/12/2019 về triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, trong đó Hội Nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai tổ chức thành lập mô hình “Nông hội”; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các “Nông hội” sau khi thành lập; hỗ trợ tập huấn, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của “Nông hội” và các hợp tác xã sau khi thành lập.
Giao Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 160-KH/HU, ngày 05/12/2019 về triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện; hướng dẫn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thành lập mô hình “Nông hội” ở những nơi có đủ điều kiện và mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nhân dân.
Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã vận động và tổ chức Lễ ra mắt thành lập 04 mô hình “Nông hội”, với tổng số 56 thành viên. Ngoài ra, có 05 xã, thị trấn đã lựa chọn, xác định được mô hình “Nông hội” và dự kiến trong thời gian tới sẽ tổ chức Lễ ra mắt thành lập. Lĩnh vực hoạt động của “Nông hội” là liên kết những người dân tại địa phương, tổ chức theo chuỗi liên kết ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cam kết xây dựng thương hiệu, chất lượng uy tín, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài huyện, tỉnh. Trong 04 Nông hội đã thành lập, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt (03 Nông hội) và chăn nuôi (01 nông hội). Cơ chế hoạt động của các “Nông hội” trên địa bàn là thiết chế tự nguyện của các hội viên Hội nông dân trên địa bàn các xã; tự lập, tự chủ, hoạt động theo nguyên tắc “03 không”, “03 tự”, “03 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Do mới thành lập nên tình hình sinh hoạt bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, các mô hình chưa phong phú, chất lượng, nội dung chủ yếu là thông qua quy chế hoạt động và định hướng hoạt động, tổ chức sản xuất các mô hình theo chuỗi liên kết, ký kết tiêu thụ sản phẩm của các “Nông hội”. Ngoài ra, các thành viên của “Nông hội” thành lập nhóm trên mạng xã hội (Messenger, Zalo) để trao đổi thông tin về thị trường, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Các mô hình“Nông hội” mới được thành lập đã thu hút được 56 thành viên tham gia, là những người nông dân có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có khả năng tập hợp các thành viên và liên kết trong hoạt động của “Nông hội”. Việc xây dựng mô hình “Nông hội” bước đầu đã có kết quả thiết thực, giúp cho Ban chủ nhiệm “Nông hội” và các hội viên có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Nông hội”; các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, lợi ích với nhau trong phát triển sản xuất, chăn nuôi để từng bước mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho các hội viên. Nhận thức của các hội viên đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ những buổi sinh hoạt và trao đổi thực tế đến nay các thành viên đều nắm vững về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, điển hình là Nông hội chăn nuôi thỏ xã Nam Yang, đến nay có hơn 2.000 con (thỏ bố mẹ khoảng 300 con). Ngoài ra, hội viên trong “Nông hội” tổ chức mua chung vật tư nông nghiệp, thức ăn và bán chung sản phẩm.
Lể ra mắt 01 mô hình "Nông hội" trên địa bàn huyện. Ảnh: N.Đ
Nhìn chung, việc triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, mà nòng cốt là Hội Nông dân huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân các xã đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia “Nông hội”, từng bước nâng cao nhận thức của người nông dân; tâm trạng, tư tưởng của hội viên trong các “Nông hội” đều phấn khởi, hào hứng. Việc xây dựng “Nông hội” đảm bảo nguyên tắc thực chất, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của các xã, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từng bước nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả; giúp người nông dân đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết thị trường, gắn với liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, hiện đại, nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện mô hình “Nông hội cây có múi” ở xã Kon Gang gắn với “Dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây có múi theo hướng hữu cơ tại xã Kon Gang”, với quy mô 04ha/20hộ được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư, như: giống, phân bón, đào tạo kỹ thuật,... Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nên thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình “Nông hội”.
Thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tiếp tục quán triệt sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của mô hình “Nông hội” và các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 160-KH/HU, ngày 05/12/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai xây dựng mô hình “Nông hội” trên địa bàn huyện, gắn với triển khai các chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh, huyện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, các loại hình phát triển sản xuất. Từ đó lựa chọn, xác định các loại hình sản xuất, kinh doanh là thế mạnh của từng địa phương để xây dựng mô hình “Nông hội”.
Hoàng Nhật/http://tinhuygialai.org.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã