Nằm giữa cánh đồng thôn Nho Lâm, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, mô hình kinh tế trang trại VAC của gia đình anh Trường liên tục có khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, bởi đây là một trong những mô hình quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao ở Yên Lạc và bởi sự mến khách, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của anh Trường trong khâu chọn giống, lựa thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc đàn lợn, ao cá và hàng trăm cây bưởi, đu đủ luôn sai trĩu quả.
Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, năm 1995, anh Hà Xuân Trường xuất ngũ trở về địa phương làm công tác đoàn, lấy vợ, được bố mẹ cho ra ở riêng với tài sản là 2 sào ruộng. Dù cần cù chịu khó cày cấy và cả làm thuê nhưng cuộc sống của 2 vợ chồng và 2 con vẫn rất khó khăn. Hơn 10 năm làm công tác đoàn, từ phó bí thư, bí thư chi đoàn thôn Nho Lâm cho đến Bí thư đoàn xã Tam Hồng, anh Trường luôn trăn trở phải làm sao để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài và động viên các đoàn viên thanh niên trong xã vươn lên làm giàu. Năm 2014, khi Yên Lạc thực hiện chủ trương dồn ghép ruộng đất, vợ chồng anh Trường đã tiến hành chuyển đổi 2 sào ruộng của gia đình và thầu thêm 6,5ha khu vực đồng chiêm trũng để cải tạo thành ao rộng trên 14.360m2 thả 2 tấn cá; xây dựng 2 dãy chuồng rộng 3.600m2 nuôi 20 lợn nái và dành hơn 5.400m2 để trồng trên 200 cây bưởi, gần 200 cây đu đủ và chăn nuôi gà, vịt.
Nhờ sự cần cù chịu khó, nhất là làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, 20 lợn nái sinh trưởng, phát triển tốt đẻ 2 lứa/năm, với hàng trăm lợn con được tách đàn nuôi thành lợn thịt cho xuất chuồng ngay năm đầu tiên. Đối với nuôi cá, công việc chăm sóc khá nhàn do thức ăn được lấy từ những luống rau, bụi cỏ trồng quanh bờ ao và tận dụng từ nước thải từ chăn nuôi lợn.
Anh Trường cho biết, mỗi lứa cá, lứa lợn được xuất chuồng anh lại tích lũy thêm những kinh nghiệm. Từ năm 2015 đến nay, gia đình anh duy trì nuôi từ 60-100 lợn nái, trên 1.000 lợn thịt; trung bình mỗi năm, xuất bán khoảng 300 tấn lợn thịt, trên 20 tấn cá các loại, trừ tri phí cho thu lãi từ 1- 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2- 4 lao động với mức lương bình quân 5- 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Trường, trong chăn nuôi, khó nhất vẫn là khâu phòng chống dịch bệnh, bởi trong năm 2019, dù đã chi hàng tỷ đồng và triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng gần 1.000 con lợn của gia đình vẫn chết, thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Không nản chí, đầu năm 2020, vợ chồng anh lại đầu tư cải tạo lại chuồng, nuôi 20 lợn nái, trên 100 lợn thịt. Sau 6 tháng nuôi, cuối tháng 7 vừa qua, anh cho xuất chuồng trên 10 tấn lợn hơi, với giá 90.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng. Đặc biệt, ngay đầu tháng 8, anh Trường đã nhân giống, mở rộng quy mô nuôi lên gần 1.000 lợn thịt để kịp cung cấp thịt lợn cho người dân dịp Tết nguyên đán 2021.
Hướng đến xây dựng mô hình VAC theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian tới, anh Trường sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo lại hệ thống chuồng nuôi, xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tận dụng hết các thức ăn thừa và chất thải từ chăn nuôi lợn cho nuôi cá. Đồng thời, liên kết với các hộ chăn nuôi khác để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Để làm được điều này, anh Trường mong muốn Nhà nước tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi, nhất là về vắc xin, lợn nái giống, chi phí chọn giống cho các hộ chăn nuôi.
Thanh Nga/vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã