Trở lại xã La Bằng, huyện Đại Từ vào một ngày tháng 7, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi đó là những tuyến đường bê tông sạch sẽ đã thay thế con đường lầy lội, lởm chởm đá cuội trước đây. Nhiều ngôi nhà xây khang trang bên những nương chè xanh ngát. Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng phấn khởi cho biết: Với những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã, La Bằng đã đạt chuẩn NTM từ năm 2014, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2018. Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả đã đạt được, xã tập trung giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn và phát triển nâng cao chất lượng 19 tiêu chí; trong đó, chú trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Nhờ vậy, đến nay, 100% hệ thống đường giao thông liên xã, trục xóm, ngõ xóm được đầu tư xây dựng mới; 9/9 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,7% (năm 2010) xuống còn 1,72%. Các vùng sản xuất được quy hoạch như: vùng chè, vùng lúa, rau màu, hệ thống kênh mương cũng được kiên cố hóa, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất.
Rời La Bằng, đến xã Tân Đức, huyện Phú Bình, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều điểm bứt phá ở vùng quê vốn thuần nông này. Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi của Chương trình MTQG xây dựng NTM, thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những thửa ruộng nhỏ manh mún trước kia giờ đã được dồn điền, đổi thửa hình thành cánh đồng mẫu lớn. Trên cánh đồng, bà con tập trung làm đất, gieo cấy, thu hoạch cùng 1 thời điểm, cấy cùng 1 giống lúa nên rất thuận lợi trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giảm chi phí công lao động. Ngoài ra, việc hình thành cánh đồng mẫu lớn còn thu hút sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Ông Nguyễn Văn Bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức chia sẻ: Về đích NTM năm 2017, đến năm 2018, Tân Đức được tỉnh lựa chọn xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Để kịp thời triển khai nhiệm vụ, xã đã ban hành 3 đề án: Xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020; Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân giai đoạn 2018-2020 và Đề án Bảo vệ môi trường và quản lý trật tự xây dựng. Cùng với đó, xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã NTM kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các tổ chức hội, đoàn thể trực tiếp phụ trách từng tiêu chí. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi dồn lực thực hiện 5 tiêu chí chưa đạt, đó là: Quy hoạch, Giao thông, Tổ chức sản xuất, Môi trường và An toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Ảnh 1: Bà con nhân dân xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình thực hiện dồn điền đổi thửa, triển khai sản xuất đại trà |
giống lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ trên cánh đồng mẫu lớn của xã. |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt 1 đơn vị so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm (vượt 2,63 triệu đồng so với mục tiêu); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; thấp hơn 8,6% so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (17,07%). Thái Nguyên cũng được Trung ương đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) tại Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, có được kết quả trên là do có sự vào cuộc tích cực, sát sao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương và bà con nhân dân trong tỉnh. Để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh đã có sự chủ động, sáng tạo, có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tỉnh hỗ trợ cho các xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu 2 tỷ đồng/xã, xã còn lại 600 triệu đồng/xã. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, tối thiểu 4 tỷ đồng/xã; các xã xây dựng NTM kiểu mẫu 2 tỷ đồng/xã; xã đã đạt chuẩn NTM là 300 triệu đồng/xã; các xã còn lại là 400 triệu đồng/xã. Riêng đối với xi măng, từ năm 2012-2019, tỉnh đã hỗ trợ trên 583 nghìn tấn cho các địa phương.
Ảnh 2: Trong những năm qua, người dân xã Văn Yên, huyện Đại Từ đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả |
sang trồng các loại cây như: củ đậu, dưa hấu,…cho thu nhập trung bình 10 triệu đồng/sào. |
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã cũng có những cơ chế riêng để hỗ trợ cho Chương trình. Đơn cử như T.X Phổ Yên và các huyện Định Hóa, Võ Nhai đã hỗ trợ một phần kinh phí mua vật liệu làm đường giao thông nông thôn; các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình,…hỗ trợ nâng cấp cải tạo nghĩa trang xóm, liên xóm; TP. Sông Công, huyện Định Hóa hỗ trợ xây dựng hộ gia đình NTM, xóm NTM kiểu mẫu; vận động cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang xây dựng quỹ NTM ở Định Hóa, Võ Nhai;…Đặc biệt, Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước đã nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí về “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu” (gồm 9 tiêu chí, 32 chỉ tiêu) và “Hộ gia đình nông thôn mới” (4 nhóm tiêu chí và 18 chỉ tiêu).
Giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn đạt trên 21.300 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã nâng cấp và làm mới được 420km kênh mương thủy lợi; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 406 trạm điện, hơn 1.300 km đường điện, hoàn thành mục tiêu xóa xóm, bản chưa được đầu tư về điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, các huyện, thành, thị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gắn với xây dựng và phát triển các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM; huy động các nguồn lực tập trung hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn, đặc biệt là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn, xây dựng các xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu;...Nhằm hướng tới xây dựng NTM phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Lương Hạnh
Nguồn tin: ntm.thainguyen.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã