Là một xã nghèo của Thái Nguyên, xã Tân Thành (huyện Phú Bình – Thái Nguyên) bước vào hành trình xây dựng NTM với hệ thống hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, đường giao thông trên 80% là đường đất, lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa khô. Đại bộ phận người dân còn tư tưởng sản xuất nhỏ, trình độ không đồng đều, thu nhập chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp.
Quyết tâm cải thiện bộ mặt nông thôn xã, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được chính quyền xã đẩy mạnh; các công việc được thực hiện công khai dân chủ, nhân dân được biết, được bàn bạc, được làm, được kiểm tra nên tạo được sự đồng thuận rất cao. Do đó, các nhiệm vụ xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư được nhân dân trong xã tích cực tham gia.
Trong 10 năm xây dựng NTM, người dân trong xã đã đóng góp nhiều tỷ đồng, bao gồm đóng góp tiền mặt đối ứng các công trình phúc lợi, hiến đất, ngày công lao động, xây dựng, chỉnh trang nhà ở, xây dựng cổng ngõ, chỉnh trang nâng cấp bếp, nhà tắm, công trình vệ sinh, đầu tư sản xuất các mô hình... Nhờ có phong trào xây dựng NTM với sự chung tay góp sức của chính quyền và người dân, đến nay, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa phẳng phiu, ô tô đi đến mọi thôn làng, hoạt động giao thương cũng thuận lợi hơn.
Tân Thành là 1 trong 2 xã cuối cùng của Phú Bình vừa hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần đưa 19/19 xã của huyện về đích nông thôn mới, đồng thời góp phần cho mục tiêu xây dựng NTM toàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo Ban chỉ đạo Các chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020. Tính đến tháng 6/2020, trong điều kiện sử dụng nguồn vốn và mục tiêu số xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn đã hoàn thành trước một năm (61/60 xã so với kế hoạch), tỉnh quyết định bổ sung thêm 2 xã: Tân Thành và Bàn Đạt, huyện Phú Bình vào kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn 8 xã (Đại Từ 03 xã, Định Hoá 02 xã, Đồng Hỷ 01 xã, Võ Nhai 01 xã, Phú Lương 01 xã); Hoàn thành 08 xã “NTM nâng cao” và “NTM kiểu mẫu”; Không còn xã dưới 10 tiêu chí. Tỉnh có thêm 25 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng từ 3-4 sao theo tiêu chí OCOP. Đây là một thành quả không nhỏ, ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh.
HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thành Nam, một trong những HTX liên kết với nông dân sản xuất |
rau - củ - quả an toàn tại xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên). Trong ảnh: Xã viên của HTX thu hoạch dưa chuột. |
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình với quyết tâm cao, sớm phân bổ các nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh đã đánh giá tiến độ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được tỉnh hỗ trợ năm 2019; Ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt, đề xuất dự án phát triển sản xuất trong Chương trình MTQG xây dựng NTM năm, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” năm 2020; Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên các phương tiện truyền thông (đài, báo, truyền hình, trang thông tin điện tử, truyền thông đa phương tiện) và tham gia các hội chợ; Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và ngành phát động...
Bên cạnh đó, công tác tập huấn luôn được quan tâm. Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG xây dựng NTM hỗ trợ, các Sở, ngành và địa phương đã tổ chức được 42 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 1.082 học viên, 20 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 600 học viên, 3 lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển HTX cho 120 người.Tổ chức đào tạo, tập huấn. Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức được 10 lớp tập huấn cho 500 cán bộ và nhân dân thuộc các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Người dân xóm Ao Đậu, xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ) đã tiếp nhận 20 tấn xi măng |
để làm đường bê tông trong xóm |
Năm 2020 là năm tăng tốc của giai đoạn 2016 – 2020 tạo đà nhảy vọt cho những năm tiếp theo. UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện Chương trình là 455.910 triệu đồng, 80.000 tấn xi măng. Hiện nay các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng các công trình theo kế hoạch. Tính đến tháng 6/2020, 112/137 xã đạt tiêu chí Giao thông (82%); 133 xã đạt tiêu chí Thủy lợi (97%); 137 xã đạt tiêu chí Điện (100%); 126 xã đạt tiêu chí Trường học (92%); 101 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (74%); 131 xã đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (96%); 122 xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông (89%); 113 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư (82%)… Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định, dần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Nguồn tin: ntm.thainguyen.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã