Ứng dụng mạng xã hội
Hội Làm vườn huyện Sóc Sơn được thành lập năm 1989, trải qua 5 kỳ đại hội, đến nay, 22/26 xã, thị trấn có Hội Làm vườn cấp xã hoạt động khá hiệu quả, với tổng số 2.450 hội viên.
Từ khi thành lập tới nay, bên cạnh củng cố tổ chức, Hội đã có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng nông thôn mới, nhiều năm được các cấp, các ngành biểu dương. Đặc biệt, 5 năm gần đây, huyện Hội đều được Hội Làm vườn Việt Nam tặng Bằng khen, được UBND huyện Sóc Sơn tặng Giấy khen.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Sóc Sơn, cho biết, hội viên của huyện Hội đa dạng các thành phần và mô hình sản xuất, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao, như: nuôi trâu, nuôi lợn, trang trại tổng hợp.
Cụ thể, có 2 mô hình đạt lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm; 20 mô hình đạt 500 triệu đồng/năm; 50 mô hình đạt 300 triệu đồng/năm và trên 1.000 mô hình cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, nhất là tiêu thụ nông sản của hội viên. Để thích ứng với tình hình mới, Hội đã đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội trong việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên. Hội lập các nhóm Zalo giữa cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo Hội và hội viên hay nhóm các hội viên với nhau,…
“Trong các nhóm, chúng tôi đều thể hiện số điện thoại của kỹ sư nông nghiệp, các chuyên gia đang hợp tác với Hội, tạo thuận lợi cho hội viên trao đổi, học hỏi kỹ thuật. Song song với việc triển khai quy định về phòng chống dịch Covdi-19, tham gia ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động, chúng tôi còn triển khai tốt việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho bà con, đảm bảo an toàn phòng dịch. Hội còn gửi nhiều mẫu nông sản tham gia các hội chợ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Việc tham gia hội chợ đã hỗ trợ quảng bá nông sản của hội viên, giúp khách hàng các nơi biết tới sản phẩm của địa phương. Trong đợt tham gia giới thiệu bưởi của Sóc Sơn (1/2020), đã có nhiều khách hàng đặt mua. Tới nay, đã có một số thương lái, đầu mối đặt mua bưởi Tết Nhâm Dần - 2022. Thời gian tới, Hội Làm vườn huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện thông điệp 5K để phòng chống dịch, đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng mạng xã hội để triển khai các hoạt động của Hội, thậm chí cả việc tập huấn cũng được chúng tôi thực hiện trên nền tảng này”, ông Cường cho biết.
Hỗ trợ hội viên làm giàu
Bà Hoàng Thị Tuyết giới thiệu về đàn ong của gia đình.
Bà Hoàng Thị Tuyết, hội viên Hội Làm vườn xã Bắc Sơn, chia sẻ: “Gia đình chủ yếu nuôi ong lấy mật. Những năm gần đây, chúng tôi đều nuôi trên 100 đàn, năng suất đạt 10-15 lít/đàn/năm. Trước đây, việc tiêu thụ mật ong khá thuận lợi, nhưng từ khi có dịch Covid-19, tiêu thụ mật của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Để thích ứng với tình hình, tôi đã tiến hành giới thiệu sản phẩm qua Zalo, Facebook nên việc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường, lượng mật ong tồn không đáng kể. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chính quyền địa phương cũng như Hội Làm vườn hỗ trợ để mật ong Sóc Sơn sớm có chỉ dẫn địa lý, sớm có nhãn hiệu tập thể, giúp việc phát triển nghề nuôi ong được thuận lợi hơn”.
Theo ông Hoàng Văn Tám, hội viên Hội Làm vườn xã Bắc Phú, gia đình có 3 sào ao và 7 sào vườn (1 sào Bắc Bộ = 360m2), trước đây, dưới ao thả cá, trên vườn trồng cây, nuôi gà, thu nhập cũng không được cao.
Từ năm 2019, ông chuyển sang nuôi ốc nhồi sinh sản và thương phẩm, đầu tư không lớn, tới nay, mỗi tháng gia đình có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Điểm đặc biệt của nuôi ốc nhồi là tận dựng được mọi địa hình, dưới ao, trên vườn, trong bể,… nơi nào có không gian, chỉ cần dựng bể chứa bằng bạt là có thể nuôi được. Việc tiêu thụ ốc hiện nay cũng thuận lợi, ốc nhồi của gia đình ông cung không đủ cầu, nếu không bị dịch Covid-19 thì việc tiêu thụ luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Ông Hoàng Văn Tám đang tung thức ăn cho ốc.
“Bên cạnh bán ốc thương phẩm, tôi còn bán ốc giống cho khách hàng nên tôi vẫn thường xuyên phải sử dụng mạng xã hội để giao lưu, tư vấn cho các khách hàng nuôi ốc đã mua con giống của gia đình. Với diện tích hiện có, gia đình đã lập hồ sơ thành lập trang trại, mặc dù hồ sơ đã đầy đủ, được UBND xã đồng ý, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chúng tôi mong huyện Sóc Sơn và Hội Làm vườn các cấp giúp đỡ để việc mở rộng sản xuất của gia đình được thuận lợi hơn”, ông Tám mong muốn.
Với mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình của nhiều hội viên, lãnh đạo Hội Làm vườn Sóc Sơn đang kết hợp với chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm để cùng bà con làm giàu trên chính quê hương mình.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Theo Hữu Thắng/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/hoi-lam-vuon-huyen-soc-son-chung-tay-phong-dich-covid-19-post43937.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã