Học tập đạo đức HCM

Xã vùng sâu, vùng xa ngày một gần

Thứ bảy - 17/07/2021 19:49
Chuyện đói đứt bữa ở xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) giờ không còn nữa, mỗi nếp nhà, ngô lúa đã đầy bồ, trẻ em rộn ràng đến trường.
Cây cầu dân sinh được xây dựng kiên cố tại thôn Nà Ho, xã Trung Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Cây cầu dân sinh được xây dựng kiên cố tại thôn Nà Ho, xã Trung Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Hạ tầng kiên cố

Khoảng vài năm về trước, nhắc tới vào xã vùng sâu, vùng xa Trung Sơn ai cũng lắc đầu ngao ngán vì con đường khó đi với chằng chịt ổ vôi, ổ gà. Nay con đường Hồ Chí Minh nối liền Quốc lộ 2C được trải nhựa phẳng lỳ nên khoảng cách hơn 30km từ thành phố Tuyên Quang vào trung tâm xã chỉ mất hơn nửa giờ đồng hồ. Có đường, hệ thống hạ tầng điện, trường, trạm được kiên cố, đời sống của của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trung Sơn ngày một đổi thay, no ấm.

Một trong những đòn bảy làm xã Trung Sơn đổi thay phải kể đến nguồn vốn đầu tư từ chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ sản xuất. Trong đó nổi bật nhất là chương trình đầu tư xây dựng những cây cầu dân sinh.

Bao năm qua con suối đi qua vùng sản xuất nông nghiệp của thôn Nà Ho luôn là nỗi ám ảnh của 178 hộ dân nơi đây. Vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn đổ về, chảy xiết, mọi hoạt động thông thương, sản xuất của người dân trong thôn bị gián đoạn.

Bởi vậy, người dân Nà Ho luôn đau đáu ước mong có 1 cây cầu kiên cố. Mãi đến năm 2019, ước mơ ấy mới trở thành hiện thực khi cây cầu tràn liên hợp thôn Nà Ho được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. 

Ông Đặng Quốc Chính, người dân thôn Nà Ho, xã Trung Sơn cho biết, trước kia chưa có cầu tràn việc đi lại phát triển sản xuất của người dân thôn Nà Ho gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa thu hoạch, để vận chuyển nông sản phải chia nhỏ thành nhiều chuyến mới chuyển hết. Từ ngày có cây cầu, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức, nhất là không còn chịu cảnh thương lái bị ép giá, hàng hóa được mang đến tận nơi phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con.

Một góc xã vùng sâu, vùng xa Trung Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc xã vùng sâu, vùng xa Trung Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Năm 2018, từ nguồn vốn của Chương trình 135, Nà Quang được hỗ trợ hơn 700 triệu đồng xây dựng cây cầu tràn. Thấy được ý nghĩa của việc xây cầu đem lại quyền lợi cho dân, các hộ trong thôn đã đồng thuận và tình nguyện hiến đất mà không đòi hỏi đền bù. Điển hình như của 3 hộ gia đình đã hiến 50m2 đất trồng cây lâu năm, cây hoa màu để xây dựng cầu. 

Anh Triệu Văn Đức, người dân thôn Nà Quang cho biết, trước đây muốn vào khu rừng sản xuất của thôn, phải đi con suối. Mùa nước cạn còn đỡ nhưng mùa mưa thì đành phải để việc đồi nương dỡ dang vì con suối ngăn cách.

Từ ngày có cây cầu bắc qua, đời sống của bà con ngày càng khấm khá. Có xe ô tô đi vào tận vườn, giá gỗ rừng cũng tăng lên. Trước đây gỗ tại vườn chỉ được 900 đến 1 triệu/m3, nay được 1,3 triệu đồng/m3. Cũng vì thế, công tác giảm nghèo ở đây được thực hiện ngày càng hiệu quả. Năm 2019, thôn giảm được 19 hộ nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm 20 hộ nghèo.

Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở xã vùng sâu, vùng xa Trung Sơn có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân ở xã vùng sâu, vùng xa Trung Sơn có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Xã vùng sâu, vùng xa no ấm

Trong giai đoạn từ năm 2015- 2019, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn được hỗ trợ sản xuất hơn 1 tỷ đồng từ dự án Chương trình 135 cho nhân dân trong xã như mua máy nông nghiệp cho 26 nhóm hộ, 50 hộ nghèo được hỗ trợ mua giống lợn sinh sản, 53 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy cắt cỏ, 6 thôn được hỗ trợ mua máy giống chè năng xuất cao, 34 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nuôi ong. Nhờ các chương trình hỗ trợ này mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ấm no.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy là hộ nghèo của thôn Nà Đỏng, xã Trung Sơn. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, dù quanh năm lam lũ với ruộng vườn, đồi nương nhưng cứ đến kỳ giáp hạt lại chạy vạy từng bữa.

Quyết tâm không để đói nghèo “làm khổ” cuộc sống, năm 2018, khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chị Thúy đã đầu tư mua trâu và chăn nuôi gia cầm, mua máy làm đậu phụ. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên kinh tế ổn định hơn trước, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu được từ 50 - 70 triệu đồng. Năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo hiệu quả.

Câu chuyện thoát nghèo của gia đình anh Ngô Ngọc Khuê, thôn Nà Quang được người dân khâm phục. Khi tôi nhắc đến chuyện nghèo đói xưa cũ, anh thần người trong phút chốc rồi gật gật đầu, nhỏ nhẻ: “Vâng, tôi đã từng nghèo đói, vác giá đi vay gạo chẳng ai dám cho vay vì người ta sợ không trả”. Ký ức của một thời chưa xa chợt ùa về, tươi mới và vẹn nguyên những đắng cay trong anh.

Nhà văn hóa thôn Nà Ho, xã vùng Trung Sơn được xây dựng kiện cố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà văn hóa thôn Nà Ho, xã vùng Trung Sơn được xây dựng kiện cố đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. Ảnh: Đào Thanh.

Thấm khổ như vậy nên năm 2011, khi nhà nước có chương trình hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng rừng anh Khuê là một trong những hộ tiên phong đăng ký. Chỉ trong vài tháng, cánh rừng 5 ha đã được vợ chồng anh phủ xanh. Sau 8 năm chăm sóc, những cánh rừng lần lượt cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình anh bớt khó khăn. Khai thác đến đâu, anh Khuê tiếp tục phủ xanh đất rừng đến đó. Năm 2018, gia đình anh Khêu đã thoát nghèo bền vững. Sau đó 1 năm anh xây ngôi nhà 2 tầng kiên cố.

Năm 2015, gia đình Ma Văn Cường, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với vay mượn anh em họ hàng để đầu tư chăn nuôi lợn nhưng ở quy mô nhỏ. Đến năm 2017, gia đình anh tiếp tục vay ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô thành trang trại.

Mô hình chăn nuôi của gia đình anh thường xuyên duy trì gần 100 con lợn, trên 200 con gà. Cùng với đó, anh Cường còn trồng 2 ha rừng và gần 1 ha chè. Với sự nỗ lực của bản thân, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, đời sống ổn định, con cái có điều kiện học tập tốt hơn.

 Anh Ma Văn Cường cho biết, nhờ sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và áp dụng phương pháp chăn nuôi khoa học, đến nay gia đình anh đã có thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Kinh tế khá lên, các con anh cũng được quan tâm chăm lo về đời sống và đầu tư học tập tốt hơn.

Giai đoạn 2015 - 2019, xã Trung Sơn được đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Những nguồn vốn này thực sự là bàn đạp giúp bà con người dân tộc Dao, người Mông, người Tày đây vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Để đảm bảo hiệu quả, phát huy được nguồn ngân sách Trung ương, chính quyền xã Trung Sơn thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý cấp xã và các tổ quản lý ở các thôn. Trong quá trình triển khai có sự vào cuộc của ban giám sát đầu tư cộng đồng xã. Vì vậy, các công trình đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất của nhân dân trong xã đã phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Với những nỗ lực thoát nghèo của chính những người dân và sự chung tay, giúp đỡ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2019, là 31,9% đến nay chỉ còn 23%; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 8 đến 10%.

Theo Đào Thanh - Nguyễn Toán/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/xa-vung-sau-vung-xa-ngay-mot-gan-d296950.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập142
  • Hôm nay34,561
  • Tháng hiện tại986,176
  • Tổng lượt truy cập91,049,569
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây