Sản phẩm bánh phồng tôm của chị Hoa có màu sắc tự nhiên.
Để làm nên thương hiệu sản phẩm bánh phồng tôm Hồng Hoa, trước đó chị Hoa đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu các phương pháp, kỹ thuật làm bánh phồng tôm sao cho hương vị thơm ngon nhất. Trong đó, chị đặc biệt chú trọng khâu nguyên liệu, ngoài việc chọn loại bột chất lượng, chị còn quan tâm đến lượng tôm để làm bánh. Vì thế, sản phẩm bánh phồng tôm của chị luôn có được mùi vị thơm ngon từ tôm và màu sắc tự nhiên, hấp dẫn. Cùng với đó, quy trình làm bánh của chị hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, kỹ lưỡng trong từng khâu nên đạt được chất lượng, lưu giữ được hương vị thơm ngon của bánh phồng tôm truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều người tin dùng.
Bánh phồng tôm của chị Hoa sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Hiện tại, chị Hoa đã phát triển nghề làm bánh phồng tôm của mình theo mô hình hợp tác xã và có sự tham gia của 20 thành viên. Bên cạnh bánh phồng tôm truyền thống, chị Hoa còn tìm hiểu, phát triển thêm bánh phồng mít, nhằm tạo ra sự phong phú trong hương vị cho sản phẩm. Đồng thời, thiết kế, cắt tạo kiểu cho bánh với những hình dáng bắt mắt, thu hút sự tìm mua của người tiêu dùng. Giá sản phẩm dao động từ 120 – 160 ngàn đồng/kg, tùy loại.
Sản phẩm bánh phồng tôm của chị Hoa tiêu thụ mạnh vào những ngày lễ, tết, với hơn 02 tấn mỗi dịp.
Chủ tịch UBND xã Tân Duyệt Hứa Trung Trực, cho biết: “Trên địa bàn xã, sản phẩm bánh phồng tôm của Hợp tác xã Hồng Hoa nhìn chung khá phát triển, ngày càng không ngừng nâng cao chất lượng và đang hướng đến đăng ký tham gia OCOP trong năm 2021. Cùng với đó, phía địa phương cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã của chi Hoa hoàn thiện các quy trình, thủ tục đăng ký. Qua đó, không chỉ góp phần giúp hợp tác xã của chị phát triển thương hiệu sản phẩm mà còn giúp địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong thời gian tới”.
Chị Hoa tâm sự: “Tôi đã gắn bó với nghề làm bánh phồng tôm đến nay gần 03 năm và mới phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã trong năm 2021, nhằm hướng đến việc đăng ký sản phẩm OCOP. Để bánh được thơm ngon, chất lượng, tôi chủ yếu tận dụng nguồn tôm nguyên liệu của gia đình, chỉ khi sản xuất với số lượng quá lớn, nguồn nguyên liệu sẵn có không đủ cung ứng, tôi mới thu mua thêm tôm của người dân địa phương. Các sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh và tôi chủ yếu sản xuất bánh theo đơn đặt hàng. Hiện tại, tôi đang phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm để đăng ký tham gia OCOP, mong rằng sẽ được công nhận đạt chuẩn trong năm 2021”.
Theo Hồng Nhung/camau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã