Học tập đạo đức HCM

Khắc phục khó khăn, sớm lấy lại đà tiêu thụ trong chăn nuôi

Chủ nhật - 11/07/2021 02:12
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên ngành chăn nuôi của Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất tiêu thụ cũng như lưu thông sản phẩm từ chăn nuôi. Tuy nhiên ngành chăn nuôi quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi sớm khắc phục khó khăn do dịch bệnh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Thiện Tâm

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, hiện Thành phố có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước với đàn gia cầm khoảng 38 triệu con, đàn lợn 1,57 triệu con, đàn trâu bò 164 nghìn con. Đặc biệt về chất lượng đàn gia súc, gia cầm được cải thiện đáng kể mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn là 1.063 cơ sở, trong đó có 26 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp và thức ăn bổ sung. Đồng thời có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ, trong đó 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; các cơ sở giết mổ động vật có hệ thống xử lý nước thải là 312 cơ sở…

Về việc liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm, hiện tại Hà Nội có 40 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.

“Người chăn nuôi thiệt đơn thiệt kép”

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được ngành chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trước tác động của “đại dịch COVID-19”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, các trang trại chăn nuôi, kể cả trong chăn nuôi nhỏ lẻ phải đối mặt với giá cả thị trường quá nhiều biến động. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 xảy ra, đến nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục biến động, khó lường; lúc tăng, lúc giảm do việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài về hoặc có vùng bị giãn cách xã hội việc vận chuyển lưu thông thức ăn chăn nuôi có nơi có lúc phải ngừng trệ.

Việc chủ động dự trữ thức ăn chăn nuôi không được bình thường như trước đây nên người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc dự trữ chuẩn bị thức ăn hằng ngày còn phụ thuộc vào vốn, việc bán động vật và sản phẩm động vật để có lượng kinh phí quay vòng. Nhiều trang trại chăn nuôi lớn nếu ở các vùng bị cách ly do COVID-19 thì chi phí vận chuyển thức ăn chăn nuôi tăng vọt, làm người chăn nuôi rơi vào thế bị động. Có thời điểm giá bò giống đến gần 100 nghìn/kg, có khi lại xuống chỉ còn khoảng 70 nghìn – 80 nghìn/kg làm cho người chăn nuôi thiệt đơn, thiệt kép, vừa khó tiêu thụ vừa bị giảm giá thậm trí thua lỗ do giá thành đầu vào tăng cao.

Trên thực tế Hà Nội có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn; việc xuất nhập gia súc, gia cầm giữa Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại rất lớn, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm lượng tiêu thụ giảm mạnh. Đơn cử như lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hằng ngày có số lượng lợn giết mổ lớn ngày cao điểm lên tới trên 2.000 con, từ năm 2020 đến nay việc vận chuyển lưu thông gặp nhiều khó khăn nên số lượng giết mổ giảm còn khoảng 1.500 con, có thời điểm chỉ còn khoảng hơn 1.000 con/ngày. Chợ tiêu thụ gia cầm sống Hà Vĩ (huyện Thường Tín) lúc cao điểm tiêu thụ khoảng trên 50 tấn/ngày, thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 30 tấn – 40 tấn/ngày. Hay chợ Hà Vĩ nhiều chủ lò mổ, nhiều tiểu thương phải dừng hoạt động do nguồn động vật bị hạn chế, nhất là các cơ sở phải nhập hàng từ miền Trung và miền Nam đến.

Bên cạnh đó, giá động vật và sản phẩm động vật biến động, khó lường, tăng giảm bất thường làm người chăn nuôi, người kinh doanh, người tiêu thụ sản phẩm rơi vào thế bị động. Hà Nội lại có thế mạnh là có nhiều cơ sở trang trại chuyên sản xuất con giống cung cấp cho các tỉnh, thành phố (kể cả các tỉnh miền Trung, miền Nam) nên việc tiêu thụ trong thời điểm dịch COVID-19 luôn bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển lưu thông, giá biến động.

Các chuỗi liên kết cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứt gãy trong việc đầu tư chăn nuôi, giết mổ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở chế biến nhất là các sản phẩm chế biến sâu như: Giò, chả, xúc xích… không tiêu thụ được sản phẩm. Cũng từ đây, tâm lý của những người xây dựng chuỗi liên kết bị ảnh hưởng trực tiếp do phải đầu tư lớn trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm gặp quá nhiều khó khăn, giá thành lại hạ.

Đặc biệt, ngoài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao do mật độ đàn gia súc, gia cầm lớn có thời điểm không tiêu thụ được. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù có sự quan tâm của các cấp, các ngành song trên địa bàn Thành phố vẫn xảy ra  một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trên đàn trâu bò…

Vừa chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo tiêu thụ

Theo dự báo của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Quốc gia hiện nay diễn biên dịch bệnh trên thế giới và tại Việt Nam còn rất phức tạp, thời gian kéo dài, khả năng ở nhiều thời điểm, nhiều nơi, nhiều địa bàn vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội. Để chủ động đối phó và khắc phục những khó khăn, tồn tại, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có những những phương án, giải pháp cụ thể trong công tác phát triển chăn nuôi và tiêu thụ động vật và sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, công chức, viên chức, người lao động trong ngành làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố để mọi người, mọi nhà không bị dịch bệnh. Như vậy sẽ đồng nghĩa với việc không bị giãn cách xã hội, cách ly từ đó đảm bảo việc lưu thông động vật và sản phẩm động vật. Việc tăng số người sử dụng động vật và sản phẩm động vật tăng cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển bình thường, ổn định.

“Khi dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động xã hội được trở lại bình thường sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc tăng nhanh lượng sản phẩm động vật được sử dụng do các trường học, nhà hàng, khách sạn đi vào hoạt động. Điều này vừa giúp cho chăn nuôi phát triển vừa tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến đi vào hoạt động”, ông Sơn cho hay.

Song song cần bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm, hiện tại diễn biến dịch bệnh rất phức tạp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là quá cao. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các thôn, xóm để xử lý ngay các ổ dịch nhỏ lẻ phát sinh không, để bùng phát thành dịch lớn.

Kích hoạt tạo điều kiện tốt nhất để các chuỗi liên kết hoạt động, đặc biệt với 40 chuỗi đã và đang hoạt động trong thời gian qua (điển hình như chuỗi thịt lợn của HTX Hoàng Long, Quốc Oai; chuỗi gà Tiên Viên; gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì; gà Mía Sơn Tây …). Đưa các chuỗi này tiêu thụ sản phẩm cho các nhà hàng được phép tiêu thụ. Khi dịch bệnh ổn dịnh các hoạt động được trở lại ổn dịch, các chuỗi liên kết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ cho các khu du lịch, các trường học, nhà hàng khách sạn. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để lượng hàng tiêu thụ được lớn và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trong tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện tốt nhất để gia súc, gia cầm vận chuyển về thành phố và ngược lại. Cùng với đó là đề xuất các chính sách cho phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tiễn sản xuất khi phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn về phát triển chăn nôi và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định của Pháp luật về chăn nuôi thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình.

Theo Thiện Tâm/nongnghiep.vn
https://thanglong.chinhphu.vn/khac-phuc-kho-khan-som-lay-lai-da-tieu-thu-trong-chan-nuoi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay23,485
  • Tháng hiện tại968,549
  • Tổng lượt truy cập91,031,942
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây