Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, huyện Văn Chấn được ví là trung tâm nông nghiệp cao của tỉnh Yên Bái, những tiến bộ khoa học kỹ thuật đều được ứng dụng tại đây, đã giúp cho nông nghiệp Văn Chấn phát triển mạnh mẽ.
Đầu năm 2020, sáu xã và một thị trấn là vùng trọng điểm lúa được sáp nhập vào TX. Nghĩa Lộ thì Văn Chấn trở thành huyện nghèo thứ ba của tỉnh Yên Bái với 13 xã vùng cao trên tổng số 24 xã và thị trấn, xếp trên hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Chính điều đó là thách thức để Văn Chấn vượt lên trở thành huyện giàu có trong tương lai.
Vùng chè Văn Chấn lớn nhất tỉnh Yên Bái, với diện tích 4.485ha, mỗi năm cung cấp 45.000- 50.000 tấn chè búp tươi cho các nhà máy: Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn và hàng trăm cơ sở chế biến chè của nông dân. Năm 2020 trồng mới và cải tạo 54,4 ha bằng những giống chè mới năng suất và chất lượng cao, trong đó có 20 ha chè Shan, giống chè đặc sản của vùng cao Yên Bái.
Từ lâu Văn Chấn nổi tiếng với rừng chè cổ thụ Suối Giàng, có diện tích 450 ha mọc trên độ cao từ 800- 1.400m so với mực nước biển. Các nhà khoa học đã xác định cây chè Suối Giàng là một trong những cây chè thuỷ tổ của Việt Nam và thế giới.
Rừng chè cổ thụ sống trong môi trường quanh năm giá lạnh ẩn mình trong mây mù nên búp chè phủ một lớp lông tơ mịn màng như tuyết phủ, người ta gọi là chè Shan tuyết. Do hấp thụ và chắt lọc được những tinh tuý của đất trời, cây chè Suối Giàng đã dâng hiến cho con người một sản phẩm chè ngon nổi tiếng mà không nơi nào có được.
Viện sĩ thông tấn K.M Djenmukhatze người Nga, năm 1976 tới Suối Giàng nghiên cứu về cây chè, ông kinh ngạc thốt lên: Tôi đã đi qua 120 nước có chè, nhưng chưa ở đâu có cây chè cổ thụ như cây chè Suối Giàng. Bát nước chè xanh ở đây có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới...Ông kết luận: Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây trà thế giới. Vùng chè Suối Giàng được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam” đã hội tụ 3 yếu tố: Hương thơm-vị đậm- nước xanh, nên có sức quyến rũ lạ thường.
Năm 2019 phát hiện thêm rừng chè đại cổ thụ Giằng Pằng thuộc xã Sùng Đô, nhiều cây chè có đường kính từ 0,8- 1m mọc trên độ cao 1.500- 1.700m đã làm chấn động giới khoa học trên toàn thế giới. Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam và các nhà khoa học ở Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thì những cây chè đại cổ thụ ở Giàng Pằng có tuổi đời trên 600 năm. Ngày 23/9/2019 huyện Văn Chấn đã long trọng làm lễ đón nhận bằng công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng là Cây di sản Việt Nam.
Nhiều sản phẩm chè của Văn Chấn đã xuất khẩu sang các thị trường: Nga, Đông Âu, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc…Trong đó một có 4 sản phẩm Bạch Trà, Diệp Trà, Hoàng Trà và Hồng Trà của HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng và Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng đã làm rạng danh chè Yên Bái ở các hội thi trà trong và ngoài nước.
Trong tương lai không xa, Văn Chấn sẽ trở thành vùng đất hấp dẫn cho những nhà đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng núi cao. Suối Giàng nằm trên độ cao 1.400m, đây được ví là tiểu Sa Pa, Đà Lạt củaYên Bái, xã Tú Lệ có động Tiên Nữ, nơi đây đã hình thành khu du lịch cao cấp Le Cham Tú Lệ Resort đang là điểm nghỉ dưỡng, tắm suối nước nóng tuyệt vời trên con đường chinh phục Tây Bắc của du khách bốn phương.
Văn Chấn hiện nay là vùng cây ăn quả lớn nhất Yên Bái, với diện tích 3.016,3 ha, sản lượng quả tươi mỗi năm 14.017 tấn. Trong đó diện tích cây ăn quả có múi như: Cam, quýt, bưởi có khoảng 1.900 ha, sản lượng 8.000 tấn/năm, cây ăn quả có cùi nhãn, vải khoảng 600 ha, sản lượng 3.000 tấn/năm.
Ngày 11/11/2016 Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học & Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho “Cam Văn Chấn”. Đó là “giấy thông hành” để cam Văn Chấn đến được các thị trường lớn trong nước với những đặc trưng riêng của một vùng đất. Nhờ trồng cam nhiều hộ dân đã trở nên giàu có, xuất hiện những khu làng tỷ phú với nhiều nhà cao tầng bất kỳ ai đặt chân tới đây đều mơ ước.
Nếp thơm Tú Lệ là hạt ngọc trời cho người dân Tú Lệ sống dưới chân đèo Khau Phạ. Hạt gạo to và tròn như những con nhộng đều như nhau và thơm ngào ngạt. Mỗi khi nhà nào đồ xôi thì cả bản đều biết. Nếp thơm Tú Lệ lừng danh khắp vùng Tây Bắc, đây là loại gạo đặc sản chỉ vua chúa ngày xưa mới được thưởng thức. Từ cây lúa nếp đó, ngày nay người dân Tú Lệ đã làm ra loại cốm nức tiếng gần xa trước khi mùa gặt bắt đầu.
Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, Văn Chấn - Mường Lò được coi là “đin pẩu pú”- đất tổ tiên của người Thái đen. Từ đây, dân tộc Thái đen đã tỏa khắp Tây Bắc, sang Lào và Thái Lan…Trường ca “Quam tô mương”- Kể chuyện bản mường, là tráng ca bất tử về một dân tộc yêu lao động, giầu bản sắc văn hóa và bất khuất trước quân xâm lược. Người anh hùng Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Văn Chấn, Mường Lò.
Đảng bộ, chính quyền và người dân Văn Chấn đang mang hết sức mình biến vùng đất giàu tiềm năng để thực hiện những khát vọng xây dựng thành huyện giàu có bậc nhất vùng Tây Bắc trong tương lai.
Theo Thái Sinh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/khat-vong-vuon-len-cua-huyen-vung-cao-van-chan-d283191.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã