Tăng tốc IPM gắn với cánh đồng lớn
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, từ thập niên 90 của thế kỷ 20, nông dân tỉnh này đã biết áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) vào sản xuất. Thế nhưng đến năm 2007, thời điểm Bình Định triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn thì quy trình IPM, ICM mới thực sự lan toả rộng khắp.
Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, cho biết: Riêng năm 2020, Bình Định thực hiện được 264 cánh đồng mẫu lớn gồm nhiều loại cây trồng; trong đó có 263 cánh đồng lúa, vụ đông xuân thực hiện 147 cánh đồng, vụ thu thực hiện 116 cánh đồng và 1 cánh đồng cây trồng cạn, tăng 30 cánh đồng so với năm 2019.
Tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn trong năm 2020 là hơn 12.857ha, tăng hơn 842 ha so năm 2019, có 127.732 hộ nông dân tham gia. Cũng trong năm 2020, riêng huyện Tuy Phước xây dựng được 5 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống với diện tích gần 1.000 ha. Tất cả diện tích này đều áp dụng quy trình IPM, ICM.
Trong 5 năm gần đây, đã có hàng chục ngàn nông dân Bình Định được tham dự những lớp tập huấn về IPM và ICM.
Để nông dân nắm chắc các nguyên tắc của IPM và ICM, ngành chức năng Bình Định đã tăng cường mở các lớp tập huấn cho nông dân những điều cần làm để vừa bảo vệ được sức khỏe cho đất và sức khỏe của con người trực tiếp sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường đồng ruộng, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng theo ông Kiều Văn Cang, mục đích cuối cùng của quy trình IPM, ICM là tìm ra những biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và nông sản có chất lượng tốt.
Áp dụng quy trình IPM, ICM không chỉ nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh, mà cần thiết phải điều hoà các mối cân bằng trong hệ sinh thái. Như vậy, quy trình IPM, ICM phải được áp dụng theo tinh thần tổng hợp, toàn diện và chủ động, nghĩa là phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh và hợp lý.
“Các biện pháp bổ sung cho nhau tạo nên những tác động và sức mạnh tổng hợp phát huy đến mức cao nhất các đặc điểm có ích của cây trồng, loại trừ tác hại của sâu bệnh. Tuy nhiên, khi xây dựng quy trình IPM, ICM cho cây trồng, áp dụng ở một vùng sản xuất cụ thể phải tuỳ thuộc vào các đặc điểm về môi trường, thời tiết, khí hậu, tình hình dịch hại, trình độ nhận thức và khả năng kinh tế của nông dân để lựa chọn các biện pháp thích hợp”, ông Cang chia sẻ.
Cua, ốc, cá... trở về đồng ruộng
Áp dụng các quy trình IPM, ICM vào sản xuất, ngoài môi trường của đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn, người nông dân còn được hưởng lợi về sức khỏe, về hiệu quả kinh tế do ruộng vườn mang lại.
Ông Nguyễn Thiệp ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) kể: Những năm đầu giải phóng, đồng ruộng còn rất nhiều ốc, cá, ếch. Hồi ấy, mỗi năm có 2 mùa bắt ếch chính, là mùa tháng 3 và mùa tháng 6 dương lịch. Sau khi lúa vụ đông xuân và lúa vụ hè thu thu hoạch xong, những thửa ruộng đã được cày ải mà gặp mưa giông là ếch ra tắm mưa đầy đồng, kêu vang trời.
Khi ấy, cứ sau mỗi mùa gặt là thanh niên trong làng Kim Châu ai cũng sắm đèn đội để đi soi ếch. Ếch nhiều đến độ mỗi đêm đi chừng vài ba tiếng đồng hồ là bắt được cả bao nilon loại 50 kg. Về sau này, do nông dân sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác lúa quá nhiều nên đồng ruộng vắng hẳn ốc, cá, ếch.
"Mấy năm gần đây, được tập huấn các kiến thức mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng, đa phần nông dân đã thay đổi thói quen phun thuốc trừ sâu, nên các loại động vật trên đồng ruộng sinh sôi nẩy nở trở lại. Trên những cánh đồng áp dụng quy trình IPM, ICM bà con đã có cua, ốc, cá để bắt, bởi đồng ruộng không còn ngập ngụa thuốc BVTV như trước đây”, anh Thiệp tâm sự.
Tìm hiểu qua nhiều nông dân, chúng tôi được biết thông qua các lớp tập huấn, họ đã nắm bắt kỹ thuật chăm sóc cây lúa trong từng giai đoạn, cách phòng trừ sâu bệnh và kỹ thuật bón phân. Bây giờ, nông dân còn dễ dàng nhận biết một số bệnh gây hại trên cây lúa như bệnh khô vằn, đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá và cách sử dụng những loại thuốc BVTV phun phòng trừ khi xuất hiện sâu bệnh.
Bà Võ Thị Tuyết Loan, xã viên của HTX Nông nghiệp Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), chia sẻ: Áp dụng quy trình IPM nông dân giảm được rất nhiều chi phí đầu tư nhờ giảm lượng lúa giống, giảm lượng thuốc BVTV; công chăm sóc, nước tưới cũng giảm; năng suất lúa lại tăng nên bà con có lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, áp dụng quy trình IPM môi trường đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn, cả sức khỏe nông dân trực tiếp sản xuất cũng không còn bị ảnh hưởng bởi môi trường độc hại do thuốc BVTV.
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hưng, khẳng định: Phương pháp IPM giúp nông dân giảm được 40% lượng lúa giống, 25-30% lượng nước tưới; hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV và công chăm sóc; lợi nhuận tăng từ 25-35% so với sản xuất theo truyền thống.
Không chỉ trên lúa, nông dân sản xuất rau nhiều nơi ở Bình Định hiện cũng đã biết áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất. Hầu hết người dân tại những vùng rau an toàn ở tỉnh này đã được ngành chức năng hướng dẫn theo từng chuyên đề về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời được thực hành trên ruộng rau với những công đoạn lên luống, làm đất, trồng và chăm sóc rau, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình IPM; kiểm soát dịch bệnh, phòng trừ dịch hại trên cơ sở kết hợp các hiệu quả từ quy luật của sinh thái đồng ruộng và sử dụng thuốc BVTV đúng quy định.
Bà Đồng Thị Tuyết Thu, nông dân chuyên trồng rau an toàn ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), chia sẻ: Khi tham gia các lớp học, bà mới biết cách mình trồng rau theo kinh nghiệm lâu nay là chưa đúng. Cũng là cây trồng, nhưng chăm sóc lúa, rau, hoa màu, mỗi loại đều có kỹ thuật riêng, từ đó bà chủ động chọn phương pháp phù hợp để sản xuất.
"Ví như đối với rau ăn lá, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch ngắn nên không khuyến khích sử dụng thuốc BVTV; để có hiệu quả, người trồng cần chọn giống phù hợp với chân đất và chọn giống rau xen canh trên mỗi luống đất để sản xuất”, bà Thu rành rọt kể như chuyên gia.
“Nhiều hộ trồng bưởi ở Hoài Ân đang nuôi, phát triển kiến vàng trong vườn như là thiên địch để vừa diệt trừ các sinh vật gây hại cây và quả, vừa cân bằng môi trường sinh thái của tự nhiên. Đây chính là một phần trong việc áp dụng IPM vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích.
Thời điểm cây ra hoa chuẩn bị đậu quả, nhà vườn cho kiến vàng làm tổ, kiến chuyền cành từ cây này sang cây khác để hạn chế các loại sâu bọ cắn phá hoa, đục hư quả, đây là biện pháp sinh học mang lại hiệu quả mà ít tốt kém và không gây hại tới môi trường.
Trên mỗi gốc bưởi, nhà vườn bố trí 1 tổ kiến vàng để lũ kiến khống chế, tiêu diệt côn trùng gây hại, trong đó có loài kiến hôi, nhện, sâu vẽ bùa thường làm bưởi sượng trái và mất nước”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết.
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/khi-nong-dan-la-chuyen-gia-d297618.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã