Trong chuyến công tác về thôn Tịnh Thọ, xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa - Phú Yên), tôi được gặp anh Dương Phú Hiếu, sinh năm 1992, một trong những người đầu tiên ở phường 2 (TP. Tuy Hòa) mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng để khởi nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.
Thu lãi 100 triệu đồng/năm
Anh Hiếu cho biết, trước đây làm nhiều công việc nhưng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên anh tự tìm kiếm, học hỏi mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tham khảo thông tin trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng, anh nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định thuê đất ở thôn Tịnh Thọ (xã Sơn Thành Tây) để đầu tư thực hiện.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Hiếu được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m2, gồm 2 nhà màng (mỗi nhà khoảng 1.000m2) với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1,2 tỷ đồng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa của anh Hiếu phát triển khá tốt. Chỉ sau hơn 90 ngày trồng, dưa cho thu hoạch 3-3,5 tấn/hơn 1.000m2, trọng lượng 1,5-2kg/trái.
Với 2 nhà màng, anh trồng một nhà, còn một nhà luân phiên ươm cây giống, chứa vật tư, giá thể...
Sản phẩm bán cho thương lái với giá bán sỉ 40.000 - 55.000 đồng/kg; bán lẻ 65.000-70.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm). Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 80 - 100 triệu đồng.
Mô hình hiệu quả
Theo anh Hiếu, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: quản lý cây trồng tốt hơn, che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập; giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cung cấp dinh dưỡng đến tận gốc gốc cây, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, chỉ tính riêng chi phí đầu tư một nhà màng đã gần 450 triệu đồng (chưa nói tới việc ươm giống, mua vật tư, thay giá thể...). Ngoài ra, trồng dưa lưới đòi hỏi chăm sóc phải tỉ mỉ, người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể đem đến sự thành công.
Đến nay, sau gần một năm sản xuất dưa lưới, anh Hiếu đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ. Theo anh Hiếu, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại, mô hình cho thu nhập cao và ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 3 vụ/năm, nên khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh.
Theo ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tây Hòa, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Hiếu giúp người dân địa phương tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hiếu còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương tham gia các công việc như: thụ phấn, buộc dây leo, thay giá thể… với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, dưa lưới được thị trường ưa chuộng nên đầu ra khá ổn định, có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã