Đặc biệt là việc sản xuất, lưu thông sản phẩm trong thời gian tỉnh là tâm dịch của cả nước.
Tổ chức tốt khâu sản xuất
Ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNN Bắc Giang, cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Vụ đông xuân được mùa toàn diện, sản lượng rau các loại đạt 344 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; sản lượng vải thiều đạt 215 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 3,03%, tăng gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra (0,9%).
Đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Hiện đàn lợn đạt 941.758 con; đàn gia cầm 20,847 triệu con; đàn trâu 41.102 nghìn con; đàn bò 130.870 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính đến hết tháng 8/2021 đạt 153.295 tấn, bằng 66,9% kế hoạch năm, trong đó, thịt lợn 110.556 tấn, thịt trâu 1.335 tấn, thịt bò 3.904 tấn, thịt gia cầm 37.500 tấn. Sản lượng tiêu thụ trong tỉnh chiếm 50%.
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 12.100ha, sản lượng trên 42.000 tấn; thu hoạch cá thương phẩm đến nay đạt 25.200 tấn. Dự kiến sản lượng thủy sản thu hoạch hàng tháng trên địa bàn tỉnh dao động từ 3.500 đến 4.500 tấn, tiêu thụ trong tỉnh 800 tấn, còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh, giá cá thương phẩm tại ao trung bình 32.000 đồng/kg.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ, chế biến nông sản
Theo ông Thành, hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa của Bắc Giang chiếm 60 - 70% tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam. Toàn tỉnh có 62 đầu mối ổn định nhằm cung ứng số lượng lớn các loại nông sản thực phẩm cho địa bàn các tỉnh trên cả nước.
Sản lượng thịt hơi trung bình hàng năm Bắc Giang sản xuất ra khoảng 300.000 tấn, tiêu thụ nội tỉnh 50%; cam, bưởi 100.000 tấn (80% tiêu thụ tỉnh ngoài); rau các loại 450.000 tấn (40% tiêu thụ tỉnh ngoài)…Riêng cây trồng vụ đông, tổng diện tích rau các loại khoảng 13.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 230.000 tấn.
Thông qua các hoạt động kết nối, hàng năm các nhà cung cấp của tỉnh Bắc Giang cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 15.000 tấn gà (trong đó các HTX cung ứng khoảng 200 tấn gà đồi Yên Thế), hơn 1.000 tấn rau các loại, 2.500 tấn mỳ gạo, 1.350 tấn trái cây, 40 tấn giấm hoa quả, 14 tấn mật ong các loại…
Hiện, Bắc Giang có 04 nhà máy lớn chế biến nông sản xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ xuất khẩu 900 tấn sản phẩm nông sản/tháng; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các loại ngô ngọt, rau ăn lá, củ cải, khoai tây, bí đỏ, cà chua... và các sản phẩm quả như dứa, vải thiều, cam... xuất sang các nước: Đông Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Autralia... Ngoài ra, Bắc Giang còn 137 cơ sở chế biến thực phẩm, sản lượng tiêu thụ 3,5 tấn/ngày, chủ yếu là chế biến thịt lợn, trâu, bò...; 100% sản phẩm tiêu thụ trong tỉnh.
Điểm sáng của nông nghiệp miền Bắc
Ông Lê Ô Pích, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian qua, lường trước khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh đã sớm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác chăm sóc cây trồng - vật nuôi để đảm bảo được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Tập trung rà soát lại các cây trồng - vật nuôi có sản lượng lớn để chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ông Pích cho biết, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các phương án cụ thể để tiêu thụ vải thiều.
Trước tiên, để làm tốt công tác xúc tiến vải thiều, quan điểm của tỉnh đặt ra là phải sản xuất sạch, sản xuất an toàn; đảm bảo vùng sản xuất vải thiều an toàn, sạch bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương cử cán bộ xuống cơ sở, giám sát chặt nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là các vùng vải thiều xuất khẩu đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động kết nối với các thị trường bán lẻ, các siêu thị trong cả nước, đại diện các chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố để tham gia kết nối tiêu thụ vải thiều hiệu quả.
Với phương châm “Khó khăn ở đâu kịp thời gỡ ngay ở đó”, mặc dù nhiều chốt kiểm dịch được lập ra, song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh và sự giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, khâu vận chuyển và lưu thông vải thiều của Bắc Giang vẫn diễn ra an toàn, thuận lợi; vải thiều Bắc Giang tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn: Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, EU, Mỹ,…
Ông Pích cho biết thêm, các tháng cuối năm, Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chuẩn bị đủ nguồn cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh việc tái đàn… để đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm dồi dào phục vụ xuất khẩu, cho dịp cuối năm; tỉnh cũng phấn đấu cuối năm 2021 mức tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,6 - 5%.
Trong cuộc họp trực tuyến mới đây với UBND tỉnh Bắc Giang, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu, Bắc Giang tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp giống trong chăn nuôi; tập trung tái đàn lợn hiệu quả để chủ động cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam; nâng cao chất lượng gà đồi, gà chất lượng cao; tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ để tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi...
“Tiếp tục tính phương án mở rộng diện tích, sử dụng cây con giống hợp lý để làm cơ sở cho tổ chức sản xuất; làm tốt công tác phòng, trừ bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản…, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm dịp cuối năm. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, kết hợp với các chính sách mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn để tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, phấn đấu đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng của nông nghiệp miền Bắc”, ông Tiến nói.
Năm 2021, Bắc Giang phấn đấu có huyện Yên Dũng về đích huyện nông thôn mới; TP. Bắc Giang hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và Hiệp Hòa hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; 14 xã về đích NTM; 17 xã hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao; 69 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến thời điểm này, 2 xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) và Hồng Giang (Lục Ngạn) đã được công nhận, nâng tổng số lên 8 xã đạt NTM nâng cao/124 xã đạt chuẩn NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã