Trong chuyến công tác xuôi dòng sông Đà những ngày tháng 4, chúng tôi ghé vào bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), nơi đây có đa số là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Khu bản Mường nằm ven lòng hồ sông Đà với thế đất "tựa sơn đạp thủy”, sở hữu phong cảnh hữu tình và bình yên.
Khi thuyền cập bến đến bản, trời đã tối chúng tôi lưu trú 1 đêm với bà con dân bản, trong cái hữu duyên đó đã được thưởng thức 1 món ăn rất ấn tượng và thú vị, đó là món rau thối. Tiếng Mường gọi món rau rừng này là tắc hổi.
Món rau thối, người Mường gọi là tắc hổi.
Sự thuần khiết và hoang dã của rau thối không chỉ hấp dẫn bà con dân bản, mà còn được rất nhiều người ở khu vực thành thị ưa chuộng.
Trong bữa cơm thân mật cùng với 1 gia đình trong bản, khi được chúng tôi hỏi món rau rừng có mùi thối nức mũi mà bà con ở đây vẫn hái và biết cách chế biến thơm ngon đến vậy, phải chăng có bí quyết gì đó, bà Hoàng Thị Lưu, bản Mường nói “Thật ra món tắc hổi này không phải bây giờ chúng tôi mới biết đến và hái về chế biến thành món ăn đâu.
Từ thời cha ông đã làm món ăn này rồi, trước kia người Mường chúng tôi chế biến rất đơn giản, hái từ trên rừng về đem luộc và nộm lên là ăn được. Nhưng nay cuộc sống đã sung túc hơn, chúng tôi tự mày mò chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, chứ không có bí quyết gì cả. Loại rau này khi hái hoặc lúc chế biến có hương rất khó ngửi với người lần đầu chưa biết rau này”.
Để chế biến món rau thối xào trứng, bà Lưu nhặt mỗi lá nón để thái nhỏ và giã nhuyễn.
Vừa ăn vừa nói chuyện trong bữa cơm rôm rả, chúng tôi được bà Lưu giới thiệu về phong tục tập quán và sinh hoạt của người dân vùng hồ sông Đà. Nhưng đối với tôi lúc đó, món khoái khẩu nhất đặt trên mâm vẫn là món rau thối có hương thum thủm kia, không giấu được sự tò mò tôi lại hỏi về cách chế biến món ăn này.
Với cách nấu không quá cầu kỳ, người Mường thường kết hợp rau cùng thịt trâu, thịt lợn hoặc thịt cá tươi mới bắt từ sông về. Cũng có khi chỉ cần ít mỡ hành phi thơm rồi cho nắm rau xanh mướt ấy vào xào nhanh tay là cũng khiến bữa ăn trở nên hấp dẫn lạ thường.
Bà Lưu cười và nói: “Có vẻ anh rất thích ăn món này nhỉ, nhiều người ở dưới xuôi lên đây họ không ăn được đâu đấy, tôi thấy anh nãy giờ ăn rất nhiều, có vẻ hợp khẩu vị với anh. Món anh đang ăn là rau thối giã nhuyễn xào với trứng, nên có hương rất thơm lấn át mùi thối của rau.
Cách chế biến món rau thối đơn giản lắm, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau, tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người. Chúng tôi thường chế biến thành các món ăn từ rau thối như: Rau thối xào thị lợn, thịt bò, nộm, canh, rau thối giã nhuyễn xào với trứng...
Từ lâu món rau thối không còn xa lạ với những thực khách đam mê ẩm thực dân tộc dân dã. Khi chế biến món rau thối có hương vị đặc trưng, riêng biệt.
“Đối với gia đình tôi thì thường chế biến món rau thối xào trứng. Trước khi chế biến tôi phải thái nhỏ, sau đó cho vào cối giá thật nhuyễn, bước cuối cùng mới tiến hành bắc chảo lên xào. Các gia vị không thể thiếu trong món ăn này là trứng, ớt, tỏi, mắc khén, muối, mì chính...
Sau khi xào chín rau, tôi mới đập trứng vào đảo đều, như vậy mới giữ được hương vị của trứng và rau. Chỉ cần làm các bước đơn giản như vậy, chúng ta đã có 1 món ăn hấp dẫn và thơm ngon”, bà Lưu cho biết.
Rau thối có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng để chế biến món rau thối xào trứng thì không thể thiếu các gia vị: Mắc khén, ớt, hành, tỏi, trứng...
Theo kinh nghiệm của người Mường, rau thối sau khi được hái khỏi cây thì mùi hôi, độ giòn sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, nếu muốn giữ trọn mùi vị đặc trưng của loại rau này thì nên chế biến ngay, có như vậy mới cảm nhận rõ vị ngọt bùi tự nhiên và mùi hôi nồng tỏa trong hơi thở.
Theo bà Lưu chia sẻ, rau thối là loại cây có gai mọc ở trong rừng sâu, thường ra lộc non từ tháng 3 – 9 dương lịch, nếu ai muốn mang về trồng thì chặt cành về trồng. Đối với loại cây rau này phải trồng vào mùa đông mới sống được, còn trồng vào các mùa khác trong năm thì cây sẽ chết. Bà Lưu cũng trồng vài cây ở quanh nhà, để tiện cho việc phục vụ bữa cơm trong gia đình.
Món rau thối được người Mường ăn kết hợp với cơm nếp.
Món rau thối thum thủm có cái vị ngai ngái, ngầy ngậy cộng thêm chút hương nồng cứ vương vấn nơi cổ họng, đủ để khiến bất kì ai yêu thích các món ăn dân dã vùng cao phải ứa nước miếng thòm thèm. Bất kể ai khi đã ăn rau thối 1 lần sẽ nhớ mãi trong đời, bởi mùi của rau thối sẽ vương vấn mãi cho đến ngày hôm sau.
Nguồn tin: Hà Hoàng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã