Ngoài các sản phẩm hàng hóa có thể tiêu dùng được, sản xuất trồng trọt cũng gây phát sinh nhiều phụ phẩm như thân, lá, lõi, rễ, vỏ trấu, vỏ quả,… Phụ phẩm cây trồng có khối lượng lớn với hàm lượng hữu cơ cao có thể tái sử dụng được cho nhiều mục tiêu khác nhau như sản xuất phân bón, chế biến vật liệu, làm thức ăn chăn nuôi, chất đốt, chất độn, giá thể,…
Các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển đang có nhiều giải pháp từ chính sách, kỹ thuật để sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp nói chung và phụ phẩm trồng trọt nói riêng để mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong lĩnh vực này, Mỹ là quốc gia sớm có các chính sách khuyến khích sử dụng phụ phẩm trồng trọt trong đó đã có kế hoạch rõ ràng ở tầm quốc gia để giảm thiểu và từng bước ngăn chặn việc đốt rơm rạ và xác thực vật ngoài đồng ruộng.
Từ năm 1991, Chính phủ Mỹ đã ra đạo luật hạn chế đốt chất thải trồng trọt và buộc nông dân phải giảm diện tích đốt theo lộ trình cụ thể xuống 90% năm 1992, và 60% (năm 1995) và xuống 25% (năm 2000). Theo Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia Mỹ (2010) nhờ có đạo luật này mà đến 1997, đã có 98% lượng rơm rạ không còn đốt bỏ trên đồng ruộng mà thay vào đó rơm rạ được sử dụng là chất hữu cơ bổ sung lại cho đất.
Đến năm 2003, Chính phủ Mỹ đã bổ sung thêm một số biện pháp hỗ trợ được đưa vào chính sách cho phát triển cơ sở hạ tầng để sử dụng phụ phẩm trồng trọt. Thay vì chỉ hỗ trợ cho nông dân, chính sách còn hỗ trợ cho người sử dụng sản phẩm cuối cùng được chế biến từ phụ phẩm trồng trọt.
Chưa hết, chính sách của Mỹ còn hỗ trợ cho cả người sử dụng rơm rạ tiềm năng như cung cấp tài chính cho xây dựng các cơ sở chứa phụ phẩm, hỗ trợ xây dựng trung tâm thu gom và phân phối phụ phẩm tập trung.
Hàng loạt các công cụ về tài chính được thực hiện như bảo lãnh khoản vay, lãi suất thấp, rút ngắn khấu hao vốn, tài trợ 50% chi phí đầu tư, hay tín dụng thuế.… đối với doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động chế biến phụ phẩm trồng trọt.
Tại Nhật Bản, rơm rạ từ trồng lúa được cày vùi vào đất chiếm 61,5%, làm thức ăn cho động vật chiếm 11,6%, làm phân xanh 10,1%, lợp mái cho chuồng nuôi gia súc 6,5%, vật liệu che phủ trên đồng ruộng 4%, đồ thủ công từ rơm 1,3% và đốt ngoài đồng khoảng 4,6%.
Theo OCED (2009), Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp và có chính sách riêng cho sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân. Đối với phụ phẩm trồng trọt, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành chương trình giám sát quốc gia về về quản lý phụ phẩm trồng trọt trong đó có đánh thuế hỗn hợp với các tập quán canh tác không thực hiện việc quản lý phụ phẩm phù hợp gồm canh tác lúa, trồng rừng, quản lý đồng cỏ, sử dụng đất nông nghiệp và nông lâm kết hợp.
Cùng với cơ chế giám sát, Chính phủ Nhật cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, trong đó ưu tiên cho phát triển công nghệ chế biến và tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chủ yếu tập trung vào rơm rạ với các ưu tiên rõ ràng, có phân kỳ cụ thể cho từng giai đoạn trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trung Quốc có nền sản xuất trồng trọt phát triển, đặc biệt là sản xuất lúa. Theo Li Jingjing và cộng sự (2001) và Jingyi Han và cs (2008), tổng khối lượng rơm rạ là 230 triệu tấn/năm, cung cấp đến 72,2% sinh khối cho sản xuất năng lượng.
Chính phủ Trung quốc đã sớm nhận ra rơm rạ là nguồn sinh khối lớn để sản xuất năng lượng và đã xây dựng chương trình khoa học công nghệ quốc gia về chuyển hóa năng lượng sinh khối từ rất sớm. Các chính sách hỗ trợ cho quản lý rơm rạ thông qua chương trình này bao gồm sản xuất nhiên liệu sinh học từ rơm rạ, nhiệt khí hóa rơm rạ thông qua hình thức đốt trực tiếp, phân hủy kị khí, sàn xuất than bánh rơm, khí hóa rơm rạ, hóa lỏng, carbonat hóa rơm rạ, than sinh học và đầu tư cho các dự án năng lượng sinh học quy mô nhỏ có sử dụng các phụ phẩm trồng trọt, trong đó chủ yếu là rơm rạ.
Tuy nhiên, do tập trung nhiều vào phát triển công nghệ và thiếu các quy định ràng buộc về pháp lý, thiếu đồng bộ về giải pháp quản lý, nên các chính sách hỗ trợ chưa đạt được hiệu quả mong muốn, không phát huy được tác dụng và chưa đạt được mục tiêu cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn.
Để bổ sung cho những thiếu sót trên, Trung Quốc đã cải tiến và bổ sung thêm một số định hướng chính sách như hỗ trợ cho việc phổ biến các hệ khí hóa rơm rạ đối với việc cung cấp khí tập trung ở những khu vực trù phú, hỗ trợ cho các nghiên cứu công nghệ đốt cháy trực tiếp rơm rạ bằng cách phát triển các nồi hơi buồng đốt trực tiếp và các phương tiện khác để sử dụng với quy mô lớn rơm rạ trong việc sản xuất điện và cung cấp nhiệt.
Đồng thời hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển các máy đổ khuôn than sinh học và máy sản xuất than bánh rơm, nâng cao độ tin cậy và khả năng ứng dụng và mức độ thương mại hóa của máy móc và nhập nội các công nghệ tiên tiến để chế biến rơm rạ.
Ấn Độ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về hiện tượng đốt chất thải sau thu hoạch lúa mì và lúa gạo. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành và thực hiện chương trình đánh giá môi trường quốc gia, đưa ô nhiễm không khí từ đốt phụ phẩm nông nghiệp vào trong chương trình giám sát phát thải SO2, NOx, PM2.5, PM10, tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, áp suất không khí, độ ẩm trong đánh giá và giám sát chất lượng không khí để đưa các cảnh báo, biện pháp quản lý.
Trên cơ sở giám sát đưa ra các giải pháp hạn chế đối với việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ở các vùng sản xuất nông nghiệp và là cơ sở để xây dựng các chế tài xử phạt đối với việc đốt phụ phẩm trồng trọt.
Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho các công ty cung ứng giống để từ đó hỗ trợ nông dân sử dụng rơm rạ trong việc cải tạo đất, giảm thiểu tối đa việc đốt rơm rạ, có chỉnh sách trợ giá cho các thiết bị, máy móc thu gom phụ phẩm trên đồng ruộng, máy cuộn rơm rạ làm các thanh nhiên liệu cho sinh hoạt và các ngành công nghiệp liên quan.
Các quy định về hạn chế đốt rơm rạ còn được quy định cụ thể trong Luật bảo vệ và kiểm soát không khí, luật bảo vệ môi trường, luật tòa án dân sự,…để làm cơ sở thực thi pháp luật trong quản lý chất thải trồng trọt nói chung và rơm rạ nói riêng.
Theo Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2020 của Bộ NN-PTNT, sản xuất trồng trọt nước ta phát sinh khoảng 91,1 triệu tấn phụ phẩm/năm, bao gồm 60 triệu tấn rơm rạ, vỏ trấu, 9.96 trỉệu tấn thân lá, lõi ngôm 12,2 triệu tấn thân lá, bã sắn, 5,82 triệu tấn ngọn, lá, bã mía và hàng triệu tấn chất thải từ thân lá, cành cà phê, chè,…
Việc quản lý và tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt ở nước ta là giải pháp cấp bách hơn bao giờ hết để vừa khai thác được hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia, có thể rút ra những bài học cho quản lý và sử dụng phụ phẩm trồng trọt cho nước ta sau đây:
Một là, cần đồng bộ, thống nhất các cơ chế chính sách hỗ trợ từ trung ương đến địa phương phù hợp với tính chất và đặc thù sản xuất trồng trọt ở nước ta, co trọng các chính sách với quy mô quy mô cộng đồng, nhóm hộ từ đó tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với quản lý phụ phẩm trồng trọt.
Hai là, cần song hành các quy định pháp luật về quản lý phụ phẩm trồng trọt, quản lý môi trường liên quan đến phụ phẩm trồng trọt với các cơ chế chính sách hỗ trợ về phát triển công nghệ và mô hình thu gom, xử lý, sử dụng và các chính sách hỗ trợ tài chính để điều chỉnh, thu hút đa dạng đối tượng tham gia các hoạt động quản lý, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt.
Ba là, cần phải xác định rõ ràng các mục tiêu về giảm thiểu đốt phụ phẩm ngắn hạn, dài hạn và có lộ trình cụ thể trong xây dựng cơ chế chính sách về quản lý phụ phẩm nông nghiệp nói chung và phụ phẩm trồng trọt nói riêng.
Bốn là, xác định vai trò then chốt của nhà nước trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ quản lý và điều tiết mang tính định hướng trong việc lựa chọn và phát triển công nghệ xử lý, đa dạng hóa loại hình sử dụng rơm rạ, phụ phẩm trồng trọt để tạo môi trường, hạ tầng bình đẳng cho việc thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ rơm rạ, tiến tới hỗ trợ cho người tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến các sản phẩm phụ phẩm trồng trọt, người sử dụng sản phẩm từ rơm rạ và những người sử dụng tiềm năng phụ phẩm và các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm trồng trọt.
Năm là, xây dựng đồng bộ các chế tài xử lý vi phạm, công cụ quản lý dựa trên đòn bẩy kinh tế để tổ chức quản lý phụ phẩm nông nghiệp và trồng trọt phù hợp với đặc thù sản xuất từng loại cây trồng và đặc thù sinh thái.
Sáu là, cần có cách tiếp cận mới trong xây dựng cơ chế chính sách về quản lý phụ phẩm trồng trọt trên cơ sở có sự tham gia của nhiều đối tượng từ cộng đồng, cơ quan quản lý địa phương các cấp, doanh nghiệp, định chế tài chính, người tiêu dùng theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích, đồng lợi ích từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, giá trị kinh tế mang lại từ phụ phẩm nông nghiệp.
Bảy là, cần đổi mới hình thức và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nhất là người nông dân về nhận thức tác hại của việc đốt rơm rạ, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ quản lý địa phương trong quản lý, xử lý và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp Theo Trần Văn Thể/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/kinh-nghiem-trong-quan-ly-phu-pham-trong-trot-tren-the-gioi-d300466.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã