Vượt khó xây dựng nông thôn mới
Huyện Sa Thầy là một huyện miền núi vùng cao biên giới, có đường biên giáp với nước Campuchia dài 32km. Toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã đặc biệt khó khăn, 2 xã biên giới. Dân cư chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn, người dân tộc thiểu số chiếm 57% với trên 20 dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cơ sở hạ tầng của huyện còn nhiều thiếu thốn.
Huyện Sa Thầy có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó một số sản phẩm tiêu biểu như: Mật ong rừng, rượu sâm cau, du lịch trải nghiệm Vườn quốc gia Chư Mom Ray...
Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sa Thầy đạt được nhiều thành tựu đáng kể: 3/10 xã đạt chuẩn NTM, các tiêu chí bình quân đạt 12,1%; các xã có hệ thống thủy lợi, lưới điện đạt 100%...
Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM giai đoạn 2016-2019 hơn 80 tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 2010-2015. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi và khởi sắc, hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ.Các phong trào "Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... luôn được thực hiện sôi nổi. Tại các địa phương cũng xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình đẹp như "Thắp sáng đường quê", "Xanh, sạch, đẹp" được lan tỏa và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hàng năm, huyện chỉ đạo các xã phải chủ động rà soát, lựa chọn ưu tiên thực hiện từng tiêu chí NTM: Các tiêu chí dễ, cần ít nguồn lực thì làm trước, tiêu chí khó và cần nhiều nguồn lực thì làm sau.
Mời gọi dự án nghìn tỷ, tạo sinh kế cho dân
Tháng 9/2020, huyện Sa Thầy đón nhận sự kiện hết sức đặc biệt là lễ khởi công "Dự án Chăn nuôi bò sữa lớn nhất khu vực Tây Nguyên tại xã biên giới Mô Rai", với tổng vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng của Tập đoàn TH. Dự án có quy mô 10.000 con bò sữa. Đặc biệt, dự án sẽ liên kết với nông dân nuôi 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao.
Chia sẻ về dự án này, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Bí thư Huyện ủy Sa Thầy cho biết, trong một lần đi tham quan tại tỉnh Lâm Đồng, ông phát hiện dự án chăn nuôi bò sữa ở đây hiệu quả và có nhiều nét tương đồng với địa phương.
Trở về ông đã mạnh dạn liên hệ, kết nối. Sau đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã nhiều lần trao đổi, "trải thảm đỏ" mời gọi và cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho Tập đoàn TH triển khai dự án.
"Dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo nên thay đổi to lớn, có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương. Góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp của nông dân và mở ra nhiều mô hình sinh kế mới, giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tại địa phương thoát nghèo. Hiện tại, huyện đang khuyến khích người dân tham gia các hợp tác xã để tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm"- ông Sâm nói.
Theo ông Sâm, cũng nhờ Chương trình xây dựng NTM mà bộ mặt nông thôn của huyện đã thay đổi rõ nét, đời sống tinh thần và vật chất của người dân không ngừng nâng cao.
Phương hướng đến năm 2025, huyện Sa Thầy đặt mục tiêu có 6/10 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 20%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM, các sản phẩm OCOP.
Theo Lê Kiến/danviet.vn
https://danviet.vn/kon-tum-huyen-sa-thay-cho-doi-thay-nho-du-an-khung-hon-2544-ty-20201225211715277.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã