Giữa cái nóng chừng 50 độ C trong khu nhà màng, mồ hôi rịn ướt áo, anh Nguyễn Việt Lâm, giám đốc Công ty Sơn Dương Green Farm vẫn cẩn thận lật từng vòi tưới dưới gốc dưa leo để kiểm tra van tiết lưu có bị tắc không. Lâm khoe, đây là hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel. Nước cùng với phân được hòa lẫn, sẽ tưới thành từng giọt tới mỗi gốc cây.
Nhờ hệ thống tưới tự động chính xác này, dưa lưới phát triển đồng đều, dù là trái vụ hay ngoài trời mưa phùn, giá rét. So với dưa trồng theo cách truyền thống ngoài đồng, dưa trong nhà màng công nghệ cao tốn ít công chăm sóc hơn. Quả to, đẹp và chất lượng hơn. Giá cũng được bán khá cao, từ khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi tùy theo mùa vụ.
Bên cạnh hệ thống tưới trị giá ngót nghét 200 triệu đồng, chủ vườn tại thôn Khuôn Phầy, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang còn có hệ thống bơm cao áp đủ cung cấp nước tưới cho diện tích nhà vườn hơn 5.000 m2. "Nếu có điều kiện đầu tư thêm chút nữa như lắp camera, và vài cảm biến không khí, có khi tôi chỉ cần ngồi trên nhà điều hành, bấm nút trên điện thoại là xong", Lâm cười nói.
Ngón tay khẳng khiu nhiều vết chai, Lâm lướt điện thoại, mê mải giới thiệu giống dưa lưới chủ lực công ty anh đang trồng. Quê Tuyên Quang, theo học Đại học Công nghiệp, chàng sinh viên sinh năm 1992 có mấy năm lăn lộn đất Thủ đô. Khi thì làm kỹ sư hóa dầu, lúc lại đứng máy cơ khí, nhưng rồi giấc mơ có một trang trại thuở nhỏ cứ đeo bám lấy Lâm.
Năm 2017, khi nghỉ việc công ty cũ và có trong tay ít vốn dắt lưng, Lâm tạm biệt Hà Nội, về Tuyên Quang lập nghiệp. Với suy nghĩ ban đầu là tập trung vào cây nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, Lâm chọn vùng chân núi tại thôn Khuôn Phầy khởi nghiệp vì cho rằng nơi đây có nguồn nước sạch từ suối và chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao nào xung quanh.
Kiến thức từ những chuyến công tác khi còn là kỹ sư cơ điện cho Lâm thấy, địa phương muốn phát huy hết thế mạnh nông nghiệp sẵn có thì phải tìm ra những cây trồng chủ lực phù hợp thổ nhưỡng. Qua tài liệu trên Internet và tham khảo kinh nghiệm những nước nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Israel, anh gút lại danh sách lựa chọn ba cây trồng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng ở các khu vực đã chọn, là rau ăn lá ngắn ngày, chè và dưa lưới.
"Khó nhất là thuyết phục được gia đình, bởi ngày ấy tôi còn trẻ. Bố mẹ thấy con quen ở Hà Nội, bỗng dưng nằng nặc đòi lên núi, cũng đặt nhiều câu hỏi", Lâm nhớ lại ngày khởi nghiệp cách đây 4 năm. Nhưng rồi ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương đã chiến thắng tất cả. Thời gian đầu, anh chọn rau ăn lá làm chủ lực, xen kẽ trồng dưa lưới để khảo nghiệm. Chưa thuê được lao động địa phương, Lâm dựa hoàn toàn vào sức của bản thân và gia đình.
Cả khu đất rộng hơn 20 ha chủ yếu là đất vườn đồi, cách xa khu dân cư, một mình Lâm ở lán bạt gần như cả ngày. Anh tự tay giải phóng mặt bằng, thiết kế nhà kính, xử lý nước, đất, hệ thống máng trồng. Bạn bè ngày ấy thỉnh thoảng lên chơi không nhận ra Lâm bởi anh trông giống “thổ phỉ”, đen nhẻm. Người duy nhất đồng hành cùng Lâm ngày ấy là mẹ, người vốn phản đối ý định lên núi lập nghiệp của anh. Mỗi sáng, mẹ anh lại vượt hàng chục kilomet lên tận vườn, thăm nom cơ ngơi và dọn dẹp.
Đến năm 2018, trang trại nông nghiệp 4.0 của Lâm cơ bản thành hình. Hệ thống quạt mát, phun sương tưới ẩm và ống dẫn nước được lập trình tự động khắp khu nhà màng. Cùng lúc, anh có niềm vui riêng bên tổ ấm mới.
Cuối 2018, đầu 2019, sau chừng hai năm lăn lộn cùng kinh tế trang trại, Lâm nhận ra một số vấn đề, chủ yếu là chi phí vận chuyển. Do rau vận chuyển đi những tỉnh xa như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang nên tiền công lớn. Thành phẩm bị đội giá lên khá nhiều, khiến sức cạnh tranh suy giảm. "Ngày ấy, tôi mất ngủ nhiều đêm. Rút lui thì không được nữa rồi, vì công sức, tiền của đã đổ bao nhiêu vào đây", Lâm nhớ lại.
Trong cái rủi có cái may. Dù sản xuất rau chững lại, Lâm phát hiện ra nguồn lợi lớn từ những luống dưa lưới thử nghiệm. Tuy nhận một số phản hồi trái chiều, như dưa chưa ngọt và giòn như một số giống nhiều tiền, chàng kỹ sư cơ điện vẫn được ủng hộ nhiều hơn. Quan trọng nhất, theo anh, là người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn để có một sản phẩm sạch từ nguyên liệu đầu vào cho tới quy trình chăm sóc.
Để phù hợp với thị hiếu số đông, Lâm tập trung chọn giống dưa cho quả mềm, có vị ngọt mát, và mẫu mã đẹp. Anh cũng không dùng đất, mà gieo toàn bộ hạt trên giá thể xơ dừa. Lâm bảo, so với rau ăn lá, vận chuyển dưa khỏe hơn nhiều. Cùng một chuyến xe, lượng dưa chở xuống xuôi thường gấp ba đến năm lần. Bù lại, ngày nào Lâm cũng phải "xông hơi" một vài tiếng trong nhà màng, bởi dưa là giống ưa nắng, thích hợp sinh trưởng ở nhiệt độ cao.
Hai năm chuyển đổi hướng đầu tư, Lâm một lần nữa thu trái ngọt. Công ty Sơn Dương Green Farm do anh làm giám đốc có doanh thu hàng năm ngót nghét tiền tỷ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 7 người, chủ yếu là nữ ở địa phương.
Thành công hiện tại chưa khiến Lâm hài lòng. Dù có hệ thống nhà màng hiện đại, đủ sức chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động được chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh vẫn muốn đầu tư thêm dàn mái che tự động phía ngoài, thay vì phải dùng tay kéo lên xuống khi trời nhiều mây.
Ngoài ra, Lâm dự định hiện đại hóa hơn nữa tủ điều khiển trung tâm, vốn mới dừng ở việc đo nhiệt độ, độ ẩm không khí. Theo anh, nếu có thể đo được độ dẫn điện, độ pH của dung dịch phân bón, đo cường độ bức xạ mặt trời, cường độ ánh sáng, và cài đặt được giới hạn áp suất không khí, dưa công ty anh có thể nghĩ đến việc xuất khẩu.
Hiện Công ty Sơn Dương Green Farm của Lâm đã liên kết với ba, bốn đơn vị trồng dưa lưới khác tại khu vực phía Bắc. Dù vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là vốn. Theo Lâm, hệ thống nhà màng được đầu tư hàng trăm triệu của anh không được tính là tài sản cố định, và không thể sử dụng để vay thế chấp.
"Nếu có một cơ chế nào đó, chẳng hạn cho vay dựa trên giám định năng lực sản xuất, tôi sẽ mạnh dạn đầu tư thêm cho khu vườn nhà mình", Lâm nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã